Nhiều sinh viên lo lắng làm việc quá sức sau khi mới tốt nghiệp

Một cuộc khảo sát gây đây ở 500 sinh viên cho thấy mối quan tâm hàng đầu của cử nhân sau khi ra trường là tìm kiếm một công việc phù hợp để cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

 Nhiều sinh viên quan tâm đến cân bằng cuộc sống và công việc hơn tiền bạc. Ảnh: FlexJobs.

Nhiều sinh viên quan tâm đến cân bằng cuộc sống và công việc hơn tiền bạc. Ảnh: FlexJobs.

Cụ thể, CNBC Make It thông tin cuộc khảo sát nêu trên được thực hiện ở 500 sinh viên sắp tốt nghiệp từ A.Team (một nền tảng tuyển dụng công nghệ).

Trong khảo sát, khi được hỏi về mối quan tâm hàng đầu, 21% sinh viên cho biết bản thân lo lắng nhất về việc tìm kiếm một vai trò phù hợp giúp họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống. 19% lo lắng không tìm được công việc mà bản thân đam mê. 18% cho rằng khả năng bị sa thải là mối quan tâm lớn nhất của họ.

Cử nhân đang coi trọng sự ổn định hơn

Nhiều người coi việc tập trung vào cân bằng giữa công việc và cuộc sống là một điều tốt. Bà Jenny Dearborn, người từng giữ vai trò Giám đốc nhân sự tại các công ty như Hewlett-Packard, SuccessFactors và SAP, tin rằng mạng xã hội sẽ giúp bình thường hóa những thách thức về sức khỏe tâm thần của mọi người. Sự cởi mở của Gen Z có thể có tác động tích cực đến văn hóa làm việc muốn thu hút và hỗ trợ những tài năng này.

Bà Christine Cruzvergara, Giám đốc chiến lược giáo dục tại Handshake (trang web nghề nghiệp dành cho sinh viên đang đi học và sinh viên mới tốt nghiệp), nhận định thế hệ Gen Z muốn những nhà tuyển dụng thực sự nói chuyện và nhất quán với những điều họ quan tâm.

Theo các báo cáo gần đây của Handshake, lớp sinh viên sắp ra trường năm 2023 coi trọng sự ổn định công việc và bảo đảm tài chính hơn tất cả, mặc dù họ vẫn muốn làm việc cho những công ty hoạt động tốt.

Ở khảo sát của A.Team, 65% sinh viên đã chọn một công việc có mức lương thấp hơn một chút miễn là họ được làm việc tại một công ty có sứ mệnh phù hợp với các giá trị cá nhân.

Đối với khía cạnh mong muốn hàng đầu trong công việc, 33% sinh viên mới tốt nghiệp cho biết tùy chọn làm việc từ xa là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình tìm kiếm việc làm của họ. Trong khi đó, 25% sinh viên cho rằng việc làm phù hợp với các giá trị của công ty là ưu tiên hàng đầu họ tìm kiếm.

Làm việc nhiều trên văn phòng có thể khiến Gen Z cảm thấy mệt mỏi. Ảnh: WDN.

Người trẻ ngày càng muốn cân bằng giữa cuộc sống và công việc

Theo nghiên cứu từ Gallup và Quỹ Lumina, các báo cáo về tình trạng kiệt sức trong học tập của sinh viên đã tăng cao trong thời kỳ đại dịch và nó vẫn là một vấn đề nan giải ở thời điểm hiện tại.

Tính đến năm 2022, cứ 5 sinh viên chưa tốt nghiệp thì có 2 người chia sẻ họ thường xuyên cảm thấy căng thẳng khi đi học. Hơn 40% cho biết họ đã cân nhắc bỏ học trong 6 tháng trước đó (năm đầu tiên xảy ra đại dịch tỷ lệ này là 34%).

Hầu hết sinh viên cho rằng tình trạng căng thẳng và lo ngại sức khỏe tâm thần là lý do hàng đầu khiến họ gặp khó khăn khi tham gia các khóa học và các vấn đề liên quan đến tài chính.

Đáng báo động, người Mỹ là đối tượng có tỷ lệ kiệt sức trong công việc cao nhất trên thế giới. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi sinh viên sắp tốt nghiệp ở quốc gia này lo lắng về một công việc ổn định nhưng vẫn đảm bảo được mức lương đủ đáp ứng cuộc sống cá nhân.

Bà Angelique Bellmer Krembs, Giám đốc marketing tại A.Team, người từng giữ vai trò điều hành tại BlackRock, PepsiCo và News Corp, nhận định có thể những người lao động trẻ xem các đồng nghiệp cấp cao hoặc cha mẹ của họ như một dấu hiệu cảnh báo về những điều họ không muốn trong sự nghiệp.

Bà cũng chỉ ra các dữ liệu gần đây từ LeanIn.org và McKinsey & Company cho thấy những nhà lãnh đạo nữ đang rời bỏ tổ chức của họ với tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, dẫn đến việc gia tăng khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới ở các vai trò cấp cao.

Minh Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-sinh-vien-lo-lang-lam-viec-qua-suc-sau-khi-moi-tot-nghiep-post1428257.html