Nhiều sáng kiến trong sửa chữa và hồi phục tổ hợp tên lửa chống tăng

Được đầu tư chiều sâu công nghệ, Xưởng 965 (Cục Kỹ thuật Binh chủng Pháo binh) đã nỗ lực khai thác, làm chủ và có nhiều sáng kiến để nâng cao chất lượng sửa chữa và hồi phục tính năng của vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) pháo binh, trong đó có tổ hợp tên lửa chống tăng (TLCT) B72, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị.

Thiếu tá Nguyễn Văn Cương, Xưởng trưởng Xưởng 965, cho biết: Nhiệm vụ chính trị trung tâm của xưởng là bảo dưỡng, sửa chữa, đồng bộ VKTBKT, sản xuất vật tư kỹ thuật và mô hình, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ bảo đảm kỹ thuật và huấn luyện chuyên ngành pháo binh. Đồng thời, xưởng tổ chức cơ động sửa chữa VKTBKT tại các đơn vị thuộc Binh chủng Pháo binh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất trên giao.

Để hoàn thành nhiệm vụ, xưởng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trên các mặt công tác nhưng đặc biệt coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (SKCTKT). Những năm qua, Xưởng 965 đã triển khai và hoàn thành 31 đề tài, sáng kiến, đưa vào ứng dụng, phần lớn là các sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng sửa chữa, đồng bộ và hồi phục tính năng kỹ thuật, chiến thuật của tổ hợp TLCT, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị pháo binh toàn quân.

Từ khi Xưởng 965 được Bộ Quốc phòng và Binh chủng Pháo binh đầu tư nâng cấp xưởng, đầu tư chiều sâu công nghệ và chuyển giao dây chuyền công nghệ sửa chữa tổ hợp TLCT B72, hoạt động nghiên cứu khoa học và SKCTKT càng được đẩy mạnh. Phân xưởng Điện-Điện tử được thành lập, lựa chọn cán bộ, nhân viên kỹ thuật có năng lực tốt để huấn luyện chuyển giao, làm chủ khai thác dây chuyền công nghệ. Xưởng còn được Cục Kỹ thuật Binh chủng Pháo binh chỉ đạo, tham gia nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ, phiếu công nghệ sửa chữa, bảo dưỡng từng loại VKTBKT và TLCT. Đến nay, hệ thống tài liệu huấn luyện, khai thác, sửa chữa TLCT đã hoàn thiện, đồng bộ, làm cơ sở để đánh giá chất lượng TLCT khi vào xưởng và sản phẩm sau bảo dưỡng, sửa chữa.

Đoàn công tác Tổng cục Kỹ thuật kiểm tra hoạt động sửa chữa tổ hợp tên lửa chống tăng tại Xưởng 965 (Cục Kỹ thuật Binh chủng Pháo binh).

Đoàn công tác Tổng cục Kỹ thuật kiểm tra hoạt động sửa chữa tổ hợp tên lửa chống tăng tại Xưởng 965 (Cục Kỹ thuật Binh chủng Pháo binh).

Quá trình khai thác dây chuyền công nghệ sửa chữa TLCT, cán bộ, nhân viên kỹ thuật chấp hành nghiêm các quy định an toàn. Song, quá trình bảo dưỡng, sửa chữa TLCT, việc thực hiện nguyên công tháo, lắp, thay thế thuốc phóng động cơ hành trình vẫn phải thực hiện thủ công, nên mất nhiều thời gian, độ an toàn không cao.

Từ thực tế trên, Thiếu tá QNCN Phạm Anh Dũng (nhân viên Phân xưởng Điện-Điện tử) đã tiến hành nghiên cứu, thiết kế và chế tạo vam chuyên dụng tháo thuốc phóng động cơ hành trình TLCT B72 bằng vật liệu sẵn có ở đơn vị. Vam có kết cấu đơn giản, hoạt động theo nguyên lý định vị cơ học và dịch chuyển vít me, dễ vận hành, rút ngắn thời gian thao tác. Vam đưa vào ứng dụng không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sửa chữa, mà còn bảo đảm tính chính quy hóa và an toàn trong sửa chữa TLCT.

Một trong những hệ thống quan trọng của tổ hợp TLCT B72 là bảng điện điều khiển. Khi sửa chữa, nhân viên phải tháo rã hình khối bên ngoài, thay thế các linh kiện hỏng hóc bên trong. Việc làm kín các linh kiện sau khi sửa chữa phải làm thủ công, nên khuôn hình không đạt được hình dáng như trước, nhất là không đạt yêu cầu về trọng lượng, làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng sửa chữa tổ hợp TLCT B72. Khắc phục nhược điểm trên, Thiếu tá QNCN Phạm Anh Dũng đã nghiên cứu thiết kế khuôn đúc bảng điện điều khiển của tổ hợp TLCT B72. Sáng kiến đã giúp việc tái tạo lại hình dạng ban đầu của bảng điện sau sửa chữa dễ dàng, bảo đảm yêu cầu về thẩm mỹ, hình khối và trọng lượng, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm tính năng kỹ thuật, chiến thuật của tổ hợp TLCT.

Còn nhiều sáng kiến ra đời trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa và hồi phục tính năng kỹ thuật, chiến thuật của tổ hợp TLCT B72 mà Xưởng 965 đã thực hiện, như: Giá hàn tiếp điểm con quay; ê tô chuyên dụng tháo lắp TLCT; máy đánh bóng cổ góp con quay; cải tiến thiết bị trên xe chở đầu đạn TLCT... Đặc biệt, đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị kiểm tra tình trạng kỹ thuật con quay đạn TLCT B72 của Đại tá Lê Viết Thắng, nguyên Xưởng trưởng (nay là Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Binh chủng Pháo binh) thực hiện thành công, sản phẩm của đề tài đưa vào ứng dụng đã góp phần giúp xưởng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ sửa chữa tổ hợp TLCT trong những năm qua.

Cùng với sửa chữa đạn TLCT, Xưởng 965 còn nỗ lực nghiên cứu cải tiến các trang thiết bị phục vụ bảo đảm kỹ thuật và huấn luyện VKTBKT pháo binh. Một trong số đó là đề tài nghiên cứu cải tiến hệ thống cấp nguồn xe luyện bắn 9F66 thành tủ nguồn chuyên dụng sửa chữa khí tài 9F66 trong nhà xưởng. Đề tài do Thiếu tá QNCN Vũ Đình Thắng, (Tổ trưởng Tổ sửa chữa điện, Phân xưởng Điện-Điện tử) chủ trì, cùng Trung tá QNCN Trương Đức Hưng (Tổ trưởng sửa chữa TLCT của phân xưởng) thực hiện. Khí tài luyện bắn 9F66 được lắp trên thùng xe cơ sở, khi sửa chữa phần khí tài quang-điện-điện tử phải được tiến hành ở phòng sửa chữa chuyên dụng. Quy trình sửa chữa do Liên Xô (trước đây) xây dựng, có nhiều nhược điểm, cồng kềnh, chất lượng thiết bị, linh kiện xuống cấp, hư hỏng, nguy cơ mất an toàn về điện rất cao. Từ thực tế trên, các tác giả đã nghiên cứu cải tiến tủ nguồn nguyên bản thành tủ nguồn chuyên dụng, độc lập, đa chức năng, trực tiếp nối nguồn cho khí tài; đồng thời lắp thêm atomat, đồng hồ báo điện áp đầu vào, đầu ra để dễ dàng trong kiểm tra, hiệu chỉnh khối nguồn điện. Nhờ đó, thiết bị bảo đảm an toàn, dễ thao tác, tiết kiệm thời gian; chất lượng sản phẩm sau kiểm tra, hiệu chỉnh, sửa chữa cao hơn nhiều so với trước. Sáng kiến này đã đoạt giải ba tại cuộc thi đề tài, sáng kiến trong tổ chức công đoàn quân đội lần thứ 4, giai đoạn 2016-2021.

Bài và ảnh: XUÂN GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhieu-sang-kien-trong-sua-chua-va-hoi-phuc-to-hop-ten-lua-chong-tang-702047