Nhiều sáng kiến được áp dụng trong ngành Than

Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về cơ giới hóa, hiện đại hóa trong tất cả lĩnh vực sản xuất kinh doanh than, cán bộ, công nhân, người lao động ngành Than trên địa bàn Quảng Ninh đã tích cực vào cuộc hưởng ứng và có nhiều giải pháp, công trình nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) được áp dụng trong thực tiễn sản xuất. Qua đó góp phần tăng năng suất lao động, giảm tổn thất tài nguyên, tiết kiệm chi phí và đảm bảo an toàn cho người lao động.

Công ty CP Than Vàng Danh nghiên cứu và áp dụng thành công giải pháp thu hồi than trong công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm loại ZRY.

Công ty CP Than Vàng Danh nghiên cứu và áp dụng thành công giải pháp thu hồi than trong công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm loại ZRY.

Công ty CP Than Vàng Danh là đơn vị sản xuất than hầm lò có sản lượng lớn của TKV. Công ty hiện duy trì khai thác khoảng 3 triệu tấn than nguyên khai mỗi năm. Những kết quả nêu trên là quá trình nỗ lực đổi mới công nghệ khai thác theo hướng áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong các khâu sản xuất, nhằm đạt công suất khai thác cao, an toàn và giảm lao động thủ công.

Từ năm 2018, nhóm kỹ sư, công nhân của Công ty CP Than Vàng Danh đã có đề tài Nghiên cứu giải pháp thu hồi than sơ đồ công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm loại ZRY. Ông Vương Minh Thu, Phó Giám đốc công ty, cho biết: Quá trình áp dụng đề tài tại nơi vỉa dày lớn hơn 3,5m, góc dốc vỉa dưới 60 độ tại công ty đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Sản lượng khai thác than lò chợ trung bình đạt gần 11.000 tấn/tháng, tăng 16% so với trước đây; năng suất lao động đạt trung bình 7,27 tấn/công, tăng 12,1%; tổn thất than lò chợ giảm từ 21% xuống còn 17%.

Với tính mới, khả năng nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đề tài Nghiên cứu giải pháp thu hồi than sơ đồ công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm loại ZRY đã đoạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2018-2019). Cùng với đó, đầu năm 2019, Công ty CP Than Vàng Danh cũng nghiên cứu và áp dụng hiệu quả đề tài Lắp đặt, chế tạo bua mìn phục vụ khai thác than hầm lò. Đề tài này đã đoạt giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2018-2019).

Ngành Than đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, phụ tùng cơ khí phù hợp với dây chuyền công nghệ sản xuất. (Ảnh chụp tại Công ty CP Cơ khí ô tô Uông Bí).

Để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường, không riêng Công ty CP Than Vàng Danh mà tất cả các đơn vị ngành Than trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu KHCN. Phần lớn các đơn vị đã nghiên cứu áp dụng công trình tự động hóa đưa vào vận hành và mang lại hiệu quả cao, như: Hệ thống tự động hóa băng tải giếng chính Mạo Khê (giảm 70% nhân lực vận hành); tự động hóa tuyến băng tải lò XV -300 Hà Lầm (giảm nhân lực); tự động hóa tuyến băng tải giếng chính Khe Chàm (giảm 50% nhân lực); tự động hóa hầm bơm Hà Lầm (giảm 50% nhân lực)...

Trong khai thác than lộ thiên, các đơn vị đã ứng dụng các công nghệ mới trong khai thác xuống sâu dưới mức thoát nước tự chảy, áp dụng các thiết bị làm tơi đất đá bằng phương pháp không cần nổ mìn, công nghệ khoan, nổ mìn trong điều kiện lỗ khoan ngập nước... Đồng thời áp dụng các công nghệ sàng tuyển tiên tiến để nâng cao chất lượng than thành phẩm, tận thu than bã và than chất lượng bằng công nghệ huyền phù tang quay và huyền phù tự sinh. Các công nghệ tiên tiến trong quản lý kiểm soát an toàn mỏ như kiểm định thiết bị điện phòng nổ, kiểm định vật liệu nổ an toàn hầm lò, xác định độ chứa khí tự nhiên và phân cấp khí mỏ...

Với mục tiêu đưa KHCN vào tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (từ khai thác, sàng tuyển, chế biến), các đơn vị ngành Than tiếp tục áp dụng các chính sách thu hút, đãi ngộ, phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia giỏi làm công tác nghiên cứu KHCN; tạo điều kiện để cán bộ, công nhân chủ động nghiên cứu, đề xuất với tập đoàn các nhiệm vụ KHCN thiết thực, có tính ứng dụng cao; đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, phụ tùng cơ khí phù hợp với dây chuyền công nghệ sản xuất nhằm tăng cường nội địa hóa sản phẩm, tiến tới tự chủ sản xuất một số thiết bị, công nghệ chính phục vụ sản xuất.

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/201912/nhieu-sang-kien-duoc-ap-dung-trong-nganh-than-2465156/