Nhiều sáng kiến có giá trị trong hoạt động của AIPO/AIPA

Vai trò tích cực của Quốc hội Việt Nam trong hoạt động của AIPO/AIPA được thể hiện ở việc Quốc hội nước ta đã đề xuất nhiều sáng kiến tại các kỳ Đại hội đồng, cũng như tại các hội nghị chuyên đề trong khuôn khổ AIPO/AIPA để giải quyết các vấn đề chung thuộc mối quan tâm của khu vực.

Vai trò tích cực của Quốc hội Việt Nam trong hoạt động của AIPO/AIPA được thể hiện ở việc Quốc hội nước ta đã đề xuất nhiều sáng kiến tại các kỳ Đại hội đồng, cũng như tại các hội nghị chuyên đề trong khuôn khổ AIPO/AIPA để giải quyết các vấn đề chung thuộc mối quan tâm của khu vực.

Đối phó với khủng hoảng kinh tế, và phát triển bền vững

Trong lĩnh vực chính trị, các sáng kiến của Việt Nam chủ yếu tập trung vào việc tăng cường vai trò của AIPO, tăng cường hợp tác nội khối; xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Tại kỳ Đại hội đồng lần thứ 26 năm 2005, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã đưa ra nhiều kiến nghị về tăng cường vai trò của AIPO trong quá trình xây dựng Hiến chương ASEAN; đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao các nước thành viên ASEAN cần thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan lập pháp ASEAN. Các kiến nghị này được các nước tham dự Đại hội đồng hoan nghênh và đánh giá cao.

Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 28 năm 2007, Nghị quyết về tăng cường vai trò và đóng góp của AIPA đối với Hiến chương ASEAN do Đoàn Việt Nam đề xuất tại Ủy ban Chính trị đã được Đại hội đồng thông qua. Nghị quyết kêu gọi Nhóm Đặc trách về Soạn thảo Hiến chương ASEAN nhấn mạnh vai trò của AIPA trong việc hình thành Cộng đồng ASEAN; khuyến nghị các thành viên AIPA thường xuyên trao đổi chặt chẽ với Chính phủ nước mình để có những đóng góp tích cực đối với Hiến chương ASEAN. Nghị quyết cũng khuyến khích các Nghị viện thành viên AIPA tạo điều kiện thuận lợi để phê chuẩn, thông qua và thực hiện văn kiện quan trọng này.

Trong lĩnh vực kinh tế, các sáng kiến của Việt Nam nhấn mạnh đến yêu cầu cấp thiết của việc liên kết kinh tế giữa các nước trong khu vực và về vai trò của nghị viện trong việc đối phó với khủng hoảng kinh tế, phát triển bền vững.

Như đã đề cập ở trên, trên cơ sở sáng kiến của Quốc hội nước ta tại kỳ Đại hội đồng lần thứ 19 ở Malaysia, năm 1999, Quốc hội nước ta đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Ủy ban chuyên đề về Vai trò cơ quan lập pháp các nước ASEAN trước cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính khu vực.

Việc tổ chức thành công Hội nghị Ủy ban Thường trực của AIPO tại Việt Nam một mặt tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trong Tổ chức liên nghị viện khu vực, mặt khác thể hiện sự đóng góp tích cực của AIPO trong việc hỗ trợ Chính phủ các nước giải quyết những vấn đề thời sự của đất nước.

Hội nghị đã tập trung vào thảo luận hai vấn đề lớn là: (i) Trao đổi kinh nghiệm của cơ quan lập pháp các nước trong việc hỗ trợ Chính phủ thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng, phục hồi kinh tế, và (ii) Giải pháp hợp tác Nghị viện nhằm phát huy tinh thần đoàn kết của ASEAN để cùng nhau vượt qua khủng hoảng, thực hiện các chương trình hợp tác, phát triển của ASEAN.

Tại kỳ Đại hội đồng lần thứ 26 năm 2005, Ủy ban Kinh tế đã thảo luận về chủ đề Sáng kiến hội nhập ASEAN. Đoàn Việt Nam đã phân tích tác động của sự chênh lệnh khoảng cách về kỹ thuật số và đã kêu gọi Nghị viện các nước thành viên nỗ lực hơn nữa trong việc rút ngắn khoảng cách số giữa các nước ASEAN. Đồng thời, khuyến nghị các nước thông qua các dự luật mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm hài hòa các luật và các chuẩn hiện hành liên quan đến công nghệ thông tin, để tiến tới một khuôn khổ pháp lý đồng nhất, hiện thực hóa ý tưởng ASEAN điện tử (e-ASEAN). Đề nghị này của Việt Nam đã được đưa vào dự thảo Nghị quyết và được các đoàn nhất trí thông qua.

Tại Đại hội đồng AIPA lần thứ 30 năm 2009, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đề xuất ba dự thảo Nghị quyết và nhận được sự đồng tình cao của các nước, trở thành các Nghị quyết của Đại hội đồng.

Đặc biệt, đề xuất của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam trong dự thảo Nghị quyết về khủng hoảng kinh tế đã nhận định: “Nghị viện đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Chính phủ thực hiện các biện pháp kinh tế nhằm vượt qua khủng hoảng bằng việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách pháp luật”.

Trên cơ sở đề xuất tại Đại hồi đồng AIPA-30, vào tháng 3 năm 2010, Quốc hội nước ta đã chủ trì thành công Hội nghị chuyên đề của AIPA về “Hậu khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới và phát triển bền vững”. Tại hội nghị này, các nghị sĩ của Quốc hội các nước thành viên AIPA đều thống nhất cho rằng hiện nay khủng hoảng tài chính và suy thoái đã được ngăn chặn, nhiều nền kinh tế trong khu vực đã phục hồi hoặc có dấu hiệu hồi phục.

Vì vậy, cần có những biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế. Điều quan trọng là phải biến những thách thức trong giai đoạn hậu khủng hoảng thành thuận lợi, tạo ra những cơ hội để phát triển ổn định và bền vững. Trong quá trình đó, nghị viện các nước thành viên AIPA cần chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp lập pháp, thực hiện việc giám sát liên quan tới việc ứng phó với hệ quả của khủng hoảng kinh tế, tài chính.

Tiếp tục phát huy vai trò của nữ nghị sĩ

Trong lĩnh vực xã hội và bình đẳng giới, Quốc hội nước ta có nhiều sáng kiến đóng góp tại các kỳ Đại hội đồng và các hội nghị chuyên đề của AIPO/AIPA, nhất là trong việc phát huy vai trò của phụ nữ nói chung và các nữ nghị sĩ nói riêng.

Đặc biệt, tại kỳ họp Đại hội đồng AIPO lần thứ 19 vào năm 1998, theo sáng kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Malaysia, lần đầu tiên trong lịch sử các Đại hội đồng AIPO, Hội nghị nữ nghị sĩ của AIPO đã được tổ chức. Kể từ đó, Hội nghĩ nữ nghị sĩ AIPO được tiến hành như một cơ chế thường niên trong khuôn khổ hoạt động của Đại hội đồng AIPO.

Tại kỳ họp Đại hội đồng AIPO lần thứ 23 năm 2002 tổ chức tại Việt Nam, Quốc hội nước ta đã có sáng kiến tổ chức cuộc gặp thân mật giữa các nữ nghị sĩ AIPO với các đại biểu tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam. Sáng kiến này đã được các đoàn đại biểu nhiệt liệt hoan nghênh và đã thành công tốt đẹp.

Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 năm 2003, tại Ủy ban các nữ nghị sĩ AIPA, các đại biểu Việt Nam đã đưa ra sáng kiến thành lập tiểu ban nghiên cứu nhằm tìm ra những biện pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo chính trị và đặc biệt trong các cơ quan lập pháp các nước thành viên AIPO.

Tại kỳ Đại hội đồng AIPO lần thứ 26 năm 2005, trên cơ sở kiến nghị của Đoàn Việt Nam tại Hội nghĩ nữ nghị sĩ WAIPO, các đại biểu của Ủy ban này đã nhất trí ủng hộ khuyến nghị của Đoàn Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai dự án nghiên cứu hợp tác pháp lý trong phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em. Hội nghị này đã được Quốc hội nước ta tổ chức thành công tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7 năm 2006. Báo cáo của Hội nghị đã được trình Đại hội đồng lần thứ 27.

Trên cơ sở kiến nghị của Báo cáo, Đại hội đồng đã khuyến nghị thành lập một nhóm chuyên gia AIPO gồm đại diện các nước thành viên, quan sát viên đặc biệt và các bên liên quan với nhiệm vụ: Đánh giá hệ thống pháp luật hiện hành thông qua các công cụ chung; Xây dựng chiến lược khu vực về hợp tác lập pháp, bao gồm chia sẻ thông tin và phát triển năng lực nhằm ngăn ngừa và đấu tranh chống buôn bán người.

Thực hiện Nghị quyết về tăng cường năng lực nghị sĩ trong quá trình xây dựng pháp luật của Đại hội đồng AIPA lần thứ 29 tại Singapore theo sáng kiến của Việt Nam, Quốc hội nước ta đã tổ chức Hội nghị AIPA về “Vai trò của nữ nghị sĩ trong quá trình xây dựng pháp luật” vào cuối năm 2009.

Đại diện nghị viện các nước thành viên AIPA tham dự Hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc lồng ghép giới trong quá trình xây dựng pháp luật và hoạch định chính sách. Hội nghị khuyến nghị Đại hội đồng AIPA lần thứ 31 tới đây tổ chức ở Việt Nam sẽ ban hành một nghị quyết về tăng cường hợp tác đối với lồng ghép giới trong quy trình lập pháp.

THÁI TRUNG (Tổng hợp tài liệu Ban Thư ký Quốc gia AIPA-41)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/nhieu-sang-kien-co-gia-tri-trong-hoat-dong-cua-aipo-aipa-615809/