Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong quân đội

Trong quá trình công tác, nhiều cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn tỉnh luôn tìm tòi sáng tạo để cải tiến các trang thiết bị, mô hình huấn luyện góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện.

Thượng úy Nguyễn Văn Cầm (nhân viên quân khí, Ban Chỉ huy quân sự TP.Biên Hòa, bìa phải) giới thiệu với Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn về dụng cụ tháo nòng súng máy phòng không 12,7mm

Thượng úy Nguyễn Văn Cầm (nhân viên quân khí, Ban Chỉ huy quân sự TP.Biên Hòa, bìa phải) giới thiệu với Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn về dụng cụ tháo nòng súng máy phòng không 12,7mm

Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các cán bộ, chiến sĩ đã được ứng dụng vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

* Sáng kiến từ thực tế

Đại úy Nguyễn Tiến Dũng, Trợ lý quân khí Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Nhơn Trạch nổi tiếng là người thích tìm hiểu, mày mò tạo ra nhiều mô hình, học cụ mới phục vụ cho công tác huấn luyện, hậu cần, kỹ thuật của đơn vị. Năm 2018, anh nghiên cứu và nộp 2 sáng kiến là: dụng cụ đo cỡ giày tân binh và khóa vòng cò súng tham gia Hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lực lượng vũ trang tỉnh năm 2018 do Bộ CHQS tỉnh và Quân khu 7 tổ chức. Riêng sáng kiến dụng cụ đo cỡ giày tân binh đã được Quân khu 7 công nhận đạt loại C.

Trong lễ ra quân huấn luyện năm 2019 vào ngày 1-3, Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7 đã yêu cầu các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh cần khắc phục khó khăn, đảm bảo đầy đủ thao trường, bãi tập, mô hình học cụ, tài liệu; đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong huấn luyện.

“Trong huấn luyện hằng ngày, tôi hay quan sát để tìm ra cách giúp công việc được thực hiện nhanh hơn, giảm bớt thao tác thừa. Cụ thể như dụng cụ đo cỡ giày tân binh giúp tiết kiệm thời gian đo cỡ giày lúc khám sức khỏe của thanh niên và sáng kiến khóa vòng cò súng giúp bảo quản, lấy súng dễ dàng hơn và có thể lấy bất kỳ khẩu nào trên giá thay vì phải tháo dây cáp khóa, lần lượt từng khẩu” - Đại úy Dũng cho hay.

Tại Ban CHQS TP.Biên Hòa, năm 2018 Thượng úy Nguyễn Văn Cầm, nhân viên quân khí cũng được công nhận sáng kiến loại C cấp Quân khu và nhận giải nhì Hội thi sáng kiến, mô hình, thiết bị phục vụ huấn luyện năm 2018 của Bộ CHQS tỉnh với sáng kiến Dụng cụ tháo nòng súng máy phòng không 12,7mm. Thượng Úy Cầm cho biết, đây là sáng kiến đã được anh ấp ủ từ năm 2014 nhưng đến đầu năm 2018 mới nghĩ ra được cách làm rồi bắt tay vào thực hiện. Tất cả các bộ phận của dụng cụ đều được làm bằng thép, giá thành khoảng 1 triệu đồng/cái và giúp tháo nòng súng máy phòng không 12,7mm dễ dàng.

“Trong quá trình bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, tôi thấy việc tháo nòng súng khá khó khăn. Do đó nên tôi nghĩ ra giải pháp để cải thiện việc này. Trước đây phải dùng búa, chèn 1 đệm gỗ, có khi gõ mãi cũng không ra nòng. Với sáng kiến khóa vòng cò súng, hiện nay chỉ dùng tay để quay nhẹ, lực đẩy sẽ lấy nòng súng máy ra một cách nhanh chóng” - Thượng úy Cầm cho biết.

* Nâng cao chất lượng huấn luyện

Không chỉ đoạt giải trong các hội thi, nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, chiến sĩ còn được áp dụng vào các đơn vị để nâng cao hiệu quả, chất lượng huấn luyện.

Thượng tá Phạm Hùng Cường, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Pháo binh 75 (Quân khu 7) và Đại úy Phạm Hoàng Tâm cùng sáng tạo ra Thiết bị tạo giả mục tiêu TG-15

Cụ thể như trước tình hình diện tích bãi đất trống, thao trường huấn luyện ở TP.Biên Hòa ngày càng thu hẹp và để tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ có điều kiện thực hành, Thượng tá Phạm Hùng Cường, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Pháo binh 75 (Quân khu 7) và Đại úy Phạm Hoàng Tâm, Chủ nhiệm trinh sát, Phòng Tham mưu Lữ đoàn Pháo binh 75 đã bắt tay nghiên cứu đề tài Thiết bị tạo giả mục tiêu TG-15. Tháng 10-2016, thiết bị này đã đoạt giải khuyến khích tại Hội thi sáng kiến cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện toàn quân và được đưa vào sử dụng tại đơn vị cho đến nay.

Đại úy Phạm Hoàng Tâm cho hay: “Trước đây để học trinh sát mục tiêu thì thao trường cần chiều sâu 2-3km, rộng 2km, giờ áp dụng đề tài nghiên cứu thì chỉ cần thao trường khoảng 40m2 và huấn luyện trong khuôn viên của đơn vị. Bên cạnh đó, so với việc cần trên 10 người để đánh thuốc nổ cho trinh sát tập phát hiện mục tiêu như trước đây thì nay chỉ cần người chỉ huy dùng bảng điện tử để kích hoạt các đèn led, tiếng động để tạo giả mục tiêu”.

Năm 2019, Lữ đoàn Pháo binh 96 (Binh chủng Pháo binh) đã đưa vào áp dụng mô hình giá cổ động thao trường do Đại úy Lê Văn Hậu, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3 và Trung úy Nguyễn Văn Tiệp, cán bộ Tiểu đoàn 3 tạo ra. Mô hình này gồm hộp đựng báo, tạp chí, nơi cắm cờ, treo bảng cổ động, móc treo đàn, các nhạc cụ... với điểm mới là nhẹ, dễ mang đi và có tính thẩm mỹ cao.

Đại úy Lê Văn Hậu cho biết, mô hình giá cổ động thao trường được làm bằng nhiều vật liệu như thép, gỗ nhỏ gọn, dễ di chuyển; giúp chiến sĩ có thời gian đọc báo, giải trí ngay trong lúc giải lao khi huấn luyện ở thao trường. Điều này vừa giúp tiết kiệm cho đơn vị vừa phù hợp thực tế và góp phần tăng hiệu quả huấn luyện.

Minh Thành

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201903/nhieu-sang-kien-cai-tien-ky-thuat-trong-quan-doi-2938639/