Nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường châu Âu

Ngày 6/12, Bộ Công Thương phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU với chủ đề 'Thương mại nông sản Việt Nam - EU: Đối tác phát triển bền vững'.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, đại sứ quán các nước EU tại Việt Nam và gần 100 DN.

Các đại biểu đã trao đổi về các định hướng phát triển hợp tác nông sản giữa Việt Nam và EU trong tương lai, chia sẻ kinh nghiệm, phương hướng phát triển, xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang thị trường châu Âu...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhận định, EU hiện là một trong hai đối tác quan trọng nhất của Việt Nam về thương mại và đầu tư và cũng là một trong những thị trường chính của nông sản Việt Nam đặc biệt là hàng thủy sản và cà phê. Đồng thời cũng ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp của EU được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu khai mạc diễn đàn

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu khai mạc diễn đàn

Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU đã đạt mức trên 50 tỷ USD vào năm 2017 và duy trì mức tăng trưởng trung bình hàng năm trên 12%, trong đó xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào EU đạt trên 5 tỷ USD, tăng gần 12%. Tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 4,3 tỷ USD nông sản vào EU, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2017.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết thêm, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên sẽ bước vào thời kỳ mới, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU đã được hoàn tất và đang chuẩn bị được ký kết và phê chuẩn trong tương lai không xa. Hiệp định thương mại tự do này cũng tạo ra nhiều ưu đãi cho các mặt hàng nông sản của hai bên. Tuy nhiên, việc tận dụng được các ưu đãi này đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác nhiều bên như Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội và các tư vấn quý giá của giới học giả, khoa học...

Thứ trưởng khẳng định, diễn đàn lần này là cơ hội để các đại biểu DN, hiệp hội ngành hàng và một số địa phương phía Bắc kết nối trực tiếp với đại diện thương mại đến từ Phái đoàn Liên minh châu Âu nhằm đẩy mạnh hợp tác xuất khẩu nông sản. Đây cũng là tiền đề để phát triển thêm một kênh tư vấn chính sách, trao đổi kinh nghiệm, thông tin thị trường giữa Việt Nam và EU.

Liên minh Châu Âu (EU) là khu vực kinh tế thịnh vượng với GDP chiếm khoảng 23% GDP danh nghĩa thế giới, thu nhập bình quân đầu người lên tới 40.890 USD/ người/ năm. Với 28 nước thành viên, tổng dân số EU đạt khoảng 516 triệu dân. Với quy mô, dung lượng thị trường lớn, EU trở thành khu vực có nhu cầu nhập khẩu rất nhiều hàng hóa từ khắp các nước trên thế giới, trong đó mặt hàng nông sản có tiềm năng tiêu thụ vô cùng lớn tại khu vực này.

Nhiều chuyên gia nhận định, nông sản Việt Nam là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu. Hiện nay, nhiều DN Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của EU, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng EU. Đặc biệt, nhiều sản phẩm Việt Nam được ưa chuộng tại châu Âu như hạt điều, cà phê, thanh long, vải...

Tuy nhiên, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chia sẻ, mặc dù thời gian qua Việt Nam đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong xuất khẩu hàng nông sản ở những thị trường lớn nhưng đi liền đó là rất nhiều thách thức và khó khăn.

Bên cạnh những rào cản về cạnh tranh từ quá trình hội nhập, các doanh nghiệp còn phải đối diện với những thách thức nội tại như năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển mạnh về thương hiệu.

Vì vậy, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận xuất khẩu phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian.

Trưởng ban kinh tế và thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, bà Miriam Garcia Ferrer cũng cho rằng, khi EVFTA đi vào thực thi sẽ mang lại cơ hội cho cả DN Việt Nam và EU bởi trong số 10 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường châu Âu, Việt Nam đang đứng thứ 10 và chiếm 2% tổng kim ngạch nhập khẩu vào EU.

Bà Miriam Garcia Ferrer cũng khuyến cáo, các mặt hàng nông sản và thực phẩm xuất khẩu vào EU từ trước đến nay đều phải tuân thủ các điều khoản thương mại cũng như khuôn khổ pháp lý. Do vậy, hai bên cần phải nắm chắc được “luật chơi” và tuân thủ những quy định chung giúp minh bạch thị trường, giải quyết các bất đồng phát sinh trong hoạt động thương mại.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý II/2018, Việt Nam đã có hơn 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, một số sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD như cà phê, gạo, điều, rau quả….Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm 2018 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017 và Việt Nam đứng trong top 5 các quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới.

Nguyễn Hường - Tuấn Vũ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-san-pham-nong-san-viet-nam-duoc-ua-chuong-tai-thi-truong-chau-au-112980.html