Nhiều sản phẩm của Hàn Quốc bị làm giả tại thị trường Việt Nam

Thông tin trên được đại diện các cơ quan chức năng và DN Hàn Quốc cho biết tại hội thảo 'Nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ' do Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức ngày 10/5 tại TP.HCM.

Doanh nghiệp hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo thông tin các DN cho biết tại hội thảo, với hơn 90 triệu dân Việt Nam trở thành thị trường tiêu dùng tiềm năng. Do vậy, nhiều sản phẩm nước ngoài lên kế hoạch xâm nhập thị trường này. Tuy nhiên, khi vào thị trường Việt Nam DN nước ngoài gặp phải không ít khó khăn vì tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng. Phần lớn các sản phẩm bị làm giả là bánh kẹo, dược phẩm, mỹ phẩm, hàng thời trang,…

Ông Jeong Jong Yeon, đại diện Orion Group cho biết, DN này có nhiều sản phẩm bánh ngọt nổi tiếng được người tiêu dùng các nước lựa chọn và tin dùng. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam sản phẩm Choco – Pie bị làm giả rất nhiều dưới các hình thức như dùng thiết kế bao bì giống hệt nhưng với tên gọi khác, ví dụ, bánh Choco – Pie thành Choco Pai, hộp bánh 12 cái nhưng làm còn 8 cái. Thậm chí, có DN làm giả kiểu dáng Choco – Pie Hàn Quốc rồi cho xuất khẩu sang các nước Trung Đông, châu Á,… và kiện ngược lại Orion Group. Để ngăn chặn tình trạng hàng nhái nêu trên phía công ty Hàn Quốc phải thực hiện lấy ý kiến người tiêu dùng chứng minh với cơ quan chức năng.

Ông Kwanyoung Kim, Cục Quản lý thị trường Hàn Quốc cho biết, rất nhiều người mua hàng nhái qua kênh bán lẻ hiện đại, truyền thống và cả kênh thương mại điện tử. Điều đáng chú ý là nhiều người trong số họ biết là hàng giả nhưng vẫn mua. Có lẽ vì tâm lý chuộng hàng ngoại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng làm hàng giả phát tán trên diện rộng.

“Hàng giả bày bán tràn lan mặc dù có đến 6 cơ quan quản lý liên quan, vậy vai trò của các đơn vị này như thế nào? Việt Nam cần nâng cao thực thi quyền sở hữu trí tuệ hơn nữa"- ông Kwanyoung Kim nhấn mạnh

Theo các diễn giả, hiện nay hệ thống cơ sở pháp lý về Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam bao gồm: Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Luật dân sự, Bộ Luật tố tụng dân sự; Luật Cạnh tranh, các chế tài xử lý vi phạm hành chính được Chính phủ quy định ở các văn bản dưới Luật, ở cấp Nghị định… Do có nhiều quy định, nhiều cơ quan thực thi nên khi DN phát hiện sản phẩm bị vi phạm sở hữu trí tuệ lại không biết gửi đến cơ quan nào vì chồng chéo.

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định, việc kinh doanh hàng giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Do vậy, cần tăng cường kiểm tra liên tục và xử lý nghiêm, tránh tình trạng bắt cóc bỏ đĩa. Sắp tới, Cục Quản lí thị trường sẽ kiến nghị phân công trách nhiệm rõ ràng của từng đơn vị để đảm bảo hiệu quả cho công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhieu-san-pham-cua-han-quoc-bi-lam-gia-tai-thi-truong-viet-nam.aspx