Nhiều sai sót trong chi trả trợ cấp cho người có công

Trong nhiều năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Bắc Ninh đã thực hiện chế độ trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn huyện Lương Tài chưa chặt chẽ. Nhiều đối tượng đã chết, nhiều hồ sơ không thể hiện rõ ràng thông tin đơn vị, nơi tham gia kháng chiến… vẫn được cơ quan chuyên môn chi trả chế độ.

Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh đã làm thủ tục cho một số đối tượng hưởng chế độ Da cam, trong khi hồ sơ không thể hiện rõ ràng thông tin đơn vị, nơi tham gia kháng chiến. Ảnh: HH

Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh đã làm thủ tục cho một số đối tượng hưởng chế độ Da cam, trong khi hồ sơ không thể hiện rõ ràng thông tin đơn vị, nơi tham gia kháng chiến. Ảnh: HH

Chi trả chế độ cho... người đã chết

Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về thực hiện chế độ trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn huyện Lương Tài từ năm 2006-2017, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh đã chỉ ra nhiều sai sót.

Tính đến ngày 31/12/2017, huyện Lương Tài có tổng số 454 người được hưởng chế độ trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (gọi tắt là chế độ Da cam). Trong đó, đối tượng hưởng trực tiếp là 321 người, gián tiếp là 133. Hiện tại, 4 người đã chuyển đi nơi khác, dừng hưởng trợ cấp 15 người, 50 người đã chết; còn 385 người đang hưởng, các đối tượng nằm rải đều trên địa bàn 13 xã và 1 thị trấn.

Kiểm tra việc thực hiện dừng chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng cho đối tượng hưởng chế độ Da cam đã chết, đoàn thanh tra thấy, trong 5 năm từ 2013-2017, Phòng LĐ-TB&XH huyện Lương Tài đã chi trả cho 16 đối tượng đã chết. Nguyên nhân là do Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh chậm điều chỉnh danh sách. Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phải thu hồi lại số tiền này.

Về đối tượng hưởng, con số thống kê tại Sở LĐ-TB&XH và Phòng LĐ-TB&XH huyện cũng có sự vênh nhau.

Theo báo cáo ngày 18/1/2018 của Sở LĐ-TB&XH gửi Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, tính đến hết ngày 31/12/2017, tại huyện Lương Tài có 385 người đang được hưởng chế độ Da cam, nhưng tại báo cáo ngày 1/3/2018 của Sở LĐ-TB&XH, danh sách này lại có 441 đối tượng.

Đối chiếu với danh sách chi trả trợ cấp tháng 12/2017 của huyện Lương Tài, con số này lại là 454. Sau khi rà roát, đối chiếu thì nhận thấy danh sách hồ sơ Sở đang lưu giữ có 454 đối tượng đã từng được hưởng, không phải là 441 như Sở đã báo cáo.

Không chỉ thống kê sai đối tượng được hưởng, cơ quan chuyên môn của Sở LĐ-TB&XH còn mắc sai sót khi thực hiện chi trả mức hưởng trợ cấp.

Tại thời điểm ngày 31/12/2017, trong số 261 đối tượng trực tiếp hưởng chế độ Da cam, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện điều chỉnh cho 42 đối tượng hưởng chế độ mất sức lao động từ 21-40% lên mức từ 41%-60%, nhưng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở không sửa phần mềm, vẫn để tỷ lệ cũ, dẫn đến việc chi trả hàng tháng không thống nhất giữa tỷ lệ mất sức lao động với mức hưởng trợ cấp, gây hiểu lầm, thắc mắc trong các đối tượng được hưởng.

Hồ sơ không rõ ràng vẫn hưởng chế độ

Không chỉ vậy, trong quản lý hồ sơ, các cơ quan chuyên môn từ cấp xã, đến huyện và Sở cũng thực hiện… lỏng lẻo.

Đoàn thanh tra khẳng định, tại UBND các xã, thị trấn của huyện đã không có hệ thống sổ sách theo dõi đối tượng hưởng chế độ Da cam; biến động tăng, giảm của các đối tượng này làm căn cứ để bàn giao cho người kế nhiệm...

Phòng LĐ-TB&XH huyện lưu hồ sơ, chứng từ và báo cáo quyết toán liên quan đến chi trả chế độ Da cam thiếu khoa học; không có sổ theo dõi việc tăng, giảm đối tượng được hưởng chế độ, đặc biệt khi đối tượng này đã chết.

Thực hiện tiếp nhận nhiều hồ sơ không có nội dung xác nhận của UBND cấp xã theo quy định, không có đủ giấy tờ chứng minh nơi đóng quân nhưng vẫn tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện và Sở làm các thủ tục tiếp theo.

Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh đã làm thủ tục cho một số đối tượng hưởng chế độ Da cam, trong khi hồ sơ không thể hiện rõ ràng thông tin đơn vị, nơi tham gia kháng chiến.

Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra 261 hồ sơ đối tượng đang hưởng chế độ Da cam của huyện Lương Tài lưu trữ tại Sở LĐ-TB&XH. Trong 261 hồ sơ có 25 hồ sơ đã được các cơ quan chức năng xem xét nên đoàn thanh tra chỉ xem xét 236 hồ sơ.

Theo ý kiến phản ánh của các đại biểu cựu chiến binh các xã, thị trấn nêu và hồ sơ lưu các đối tượng có nghi vấn, đoàn thanh tra đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH bổ sung tổng cộng 59/261 bộ hồ sơ để đoàn xem xét chi tiết.

Qua xác minh, vẫn còn 2 trường hợp chưa cung cấp được tài liệu chứng minh đơn vị, nơi đóng quân.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH còn ban hành một số đối tượng hưởng chế độ Da cam với thời điểm hưởng trước ngày Hội đồng Giám định y khoa kết luận. Theo đoàn thanh tra, đây là sự vận dụng thiếu nhất quán với quy định chung.

Trước những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; Chủ tịch UBND huyện Lương Tài; Sở LĐ-TB&XH nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm; chấn chỉnh và khắc phục ngay các khuyết điểm, vi phạm của các cán bộ thuộc thẩm quyền có liên quan.

Đồng thời, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH phải yêu cầu 2 đối tượng cung cấp, bổ sung tài liệu, giấy tờ, bằng chứng... để chứng minh đơn vị, thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học, theo nơi đóng quân như trong bản tự khai cá nhân của đối tượng đang lưu hồ sơ tại Sở.

Chỉ đạo bộ phận chuyên môn sớm nghiên cứu, đề xuất, thực hiện thống nhất thời điểm đối tượng hưởng trợ cấp ban đầu để đảm bảo các trường hợp đều áp dụng nhất quán một quy định…

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/ket-luan/nhieu-sai-sot-trong-chi-tra-tro-cap-cho-nguoi-co-cong_t114c1002n147088