Nhiều sai sót, phản cảm nhưng thiếu lời xin lỗi

'Phản cảm, nhí nhố, xem không chịu nổi', 'Xem truyền hình mà muốn lên máu vì những sai sót ngớ ngẩn và đáng giận'… Đó là những lời phàn nàn của rất nhiều khán giả khi xem các trò chơi trên truyền hình (gameshow) dạo gần đây. Vậy nhưng, những gameshow phản cảm như thế dường như ngày càng nhiều thêm.

“Không biết mà cũng đố!”

Chương trình “Chọn đâu cho đúng” với câu hỏi về Ông Tổ Đờn ca tài tử. 3 bức ảnh trên được chụp ngay khi chương trình phát sóng và bức ảnh dưới minh chứng đã được sửa lại khi đăng tải trên Youtube.

Chương trình “Chọn đâu cho đúng” với câu hỏi về Ông Tổ Đờn ca tài tử. 3 bức ảnh trên được chụp ngay khi chương trình phát sóng và bức ảnh dưới minh chứng đã được sửa lại khi đăng tải trên Youtube.

Dạo gần đây, các gameshow có vẻ thịnh hành định dạng thi hỏi đáp về kiến thức thông qua các trò chơi hoặc thách đấu với nhau. Vậy nhưng, có những tình huống dở khóc dở cười khi người đố đưa người trả lời vào ngõ cụt, nghĩa là trả lời đường nào cũng sai, hoặc người đố trả lời cũng trật lất!

Mới đây, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng (Cần Thơ) đăng một dòng trạng thái trên trang facebook cá nhân với tiêu đề “Ông Tổ của nghề đờn ca tài tử Nam bộ là ai?”. Nội dung là ông rất bức xúc trước chuyện chương trình “Chọn đâu cho đúng” phát trên kênh VTV3 tối 2-3 đưa ra câu hỏi như trên cùng với 3 đáp án: Phùng Há, Viễn Châu và Cao Văn Lầu. Cuối cùng, đáp án được người dẫn chương trình khẳng định đúng là Cao Văn Lầu! Trao đổi với Báo Cần Thơ, ông Nhâm Hùng nhấn mạnh: “Đáp án đó là sai và câu hỏi đó sẽ không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng!”. Bởi lẽ, đờn ca tài tử là sản phẩm kết hợp từ nhạc lễ cung đình Huế kết hợp với dân ca Nam bộ mà thành. Những bậc nghệ nhân có công đầu phải kể đến là Thầy Ba Đợi, Ký Quờn, Nhạc Khị (tức là THẦY - xin được nhấn mạnh - của nhạc sĩ Cao Văn Lầu) cũng chưa ai dám xưng và cũng chưa ai gọi họ là Ông Tổ Đờn ca tài tử. “Vậy thì Ban Biên tập căn cứ vào đâu để khẳng định điều này?”, ông Nhâm Hùng bức xúc.

Chia sẻ của ông Nhâm Hùng nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, nhất là giới đờn ca tài tử. Nhiều người coi đó là sự xúc phạm. Vậy nhưng, VTV và đối tác sản xuất chương trình lại chọn cách xử sự không đẹp chút nào là thay vì xin lỗi và cải chính thì họ lại lẳng lặng sửa trên video đăng lại trên Youtube với nội dung vẫn giữ nguyên 3 đáp án nhưng thay bằng câu hỏi: “Ai là tác giả bài “Dạ cổ hoài lang”?”. Tiếng của người dẫn chương trình đọc câu hỏi này do cắt ghép nên rất thô, nhận ra ngay. Ứng xử như vậy liệu có văn minh và minh bạch?

Đây chỉ là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ về lỗ hổng kiến thức trong các gameshow hiện nay. Có thể kể như chương trình “Nhanh như chớp” phát trên sóng HTV. Rất nhiều lần và nhiều câu hỏi chương trình đã đưa ra kiến thức sai. Điển hình, người chơi trả lời Động Hương Tích ở Huế mà người dẫn chương trình cũng cho là đúng, trong khi đúng phải là tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Và đơn vị có trách nhiệm cũng làm một việc không đẹp tương tự, khi đăng lại trên Youtube, họ đã cho người chơi đổi thành Hà Nội! Cũng ở chương trình “Nhanh như chớp”, từng có tình huống cười ra nước mắt khi câu hỏi chung kết là “Kể tên 20 quốc gia đã đăng cai World Cup?”. Đội chơi trả lời được 13 đáp án đã hết giờ, tuy nhiên, dù có cho cả ngày họ cũng chẳng trả lời được. Lý do: Tính đến mùa giải năm 2018, chỉ mới có 17 quốc gia đăng cai!!!

Phản cảm!

Gameshow “Kèo này ai thắng” phát sóng tối 12-3 trên kênh VTV3 khiến người thì xấu hổ đỏ mặt tía tai, người thì nóng giận khi xem cảnh cô gái ngậm đầu củ cải trắng lúc lắc trên miếng bia phóng dao. Hình ảnh nhạy cảm, phản cảm và nếu dùng từ nặng hơn là “biến thái” lại được lên sóng truyền hình vào đúng giờ vàng thì thật là hết ý kiến. Đến độ, ông Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khi xem đã rất bức xúc và cho rằng: “Cho cô gái ngậm đầu củ cải thì là sáng kiến của ai đó có vấn đề”.

Rất nhiều gameshow bây giờ dùng chuyện phản cảm, khó nghe để câu khách giữa thị trường giải trí truyền hình bão hòa. Một điển hình là những chương trình gameshow bàn về chuyện tình yêu, đời sống hôn nhân. Cứ quanh đi quẩn lại cũng là chuyện quan hệ tình dục, “bí quyết giường chiếu”. Gameshow “Vợ chồng son” là một điển hình đáng chê trách. Hai người dẫn chương trình hỏi chẳng được mấy câu thì lại đưa người chơi vào tròng khi “điều tra” chuyện vợ chồng. Người chơi thì cũng chẳng ngần ngại mà “lạy ông tôi ở bụi này”. Phải chăng họ chẳng biết xấu hổ hay là đang “ngậm bồ hòn làm ngọt”? Một nhóm chương trình khác cũng “dậy sóng” dư luận là các gameshow tìm bạn đời, tìm người yêu. Nhiều gameshow đã để đôi nam nữ đang tìm hiểu có những trò chơi, hành động táo bạo mà dường như chỉ dành cho vợ chồng chốn phòng the.

* * *

Thực trạng về các gameshow truyền hình hiện nay cần được báo động một cách nghiêm túc và trách nhiệm. Trong đó, trách nhiệm hàng đầu vẫn là các đài truyền hình khi để phát sóng những chương trình khó coi, đáng xấu hổ như vậy. Nhưng đáng trách nhất vẫn là cách cư xử xem thường khán giả của nhiều đài truyền hình. Họ không một lời xin lỗi, không một câu cải chính cũng chẳng một lời thừa nhận. Cái cách “im lặng sửa chữa” như một số đài truyền hình và đối tác sản xuất làm như vừa qua là hạ sách, coi thường dư luận, cốt chỉ để lấy rơm che lửa!

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nhieu-sai-sot-phan-cam-nhung-thieu-loi-xin-loi-a119676.html