Nhiều sách hay ở châu Âu được xuất bản bằng tiếng Việt

Sau hai năm gián đoạn vì Covid-19, chương trình 'Những ngày văn học châu Âu' trở lại với nhiều hoạt động như tọa đàm, giao lưu với tác giả, giới thiệu tác phẩm chất lượng.

Ngày 5/5, “Những ngày văn học châu Âu” khai mạc tại Viện Goethe và Trung tâm văn hóa Casa Italia (Hà Nội). Sau lễ khai mạc là chuỗi chương trình giao lưu, trao đổi diễn ra trong 10 ngày tiếp theo (dự kiến có 31 chương trình văn chương và sách, xuất bản được thực hiện).

Đây là hoạt động thường niên, được tổ chức từ năm 2011, ban đầu diễn ra tại Hà Nội, sau đó mở rộng ra một số thành phố như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng.

 Một trong những tác phẩm của Kazuo Ishiguro xuất bản tại tiếng Việt. Ảnh: Midori/NRC.

Một trong những tác phẩm của Kazuo Ishiguro xuất bản tại tiếng Việt. Ảnh: Midori/NRC.

Chuỗi hoạt động phong phú

Hoạt động được mong chờ tại “Những ngày văn học châu Âu” là các tọa đàm bàn thảo sâu về những tác phẩm chất lượng, giao lưu với tác giả nổi tiếng.

Năm nay, một trong các chương trình được chú ý là tọa đàm “Kazuo Ishiguro: Ẩn dưới những mơ hồ” diễn ra hôm 8/5 tại Viện Goethe Hà Nội. Nhà văn Anh gốc Nhật, được trao giải Nobel văn chương năm 2017, với lời vinh danh: “tiểu thuyết giàu sức nặng cảm xúc, làm lộ ra vực thẳm ẩn bên dưới ảo tưởng về sự kết nối với thế giới của chúng ta”. Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, dịch giả An Lý, TS văn học Quyên Nguyễn sẽ bàn thảo về những điều ẩn giấu đằng sau văn chương của Ishiguro.

Tọa đàm “Đọc chiến tranh để hiểu hòa bình” diễn ra tại Không gian văn hóa sáng tạo Cửa biển, Hải Phòng ngày 7/5. Các diễn giả sẽ thảo luận về hai cuốn tiểu thuyết Vận mệnh người lính tốt Svejk trong đại chiến thế giới (Jaroslav Hasek) và Tiền từ Hitler (Radka Denemarkova).

Hai cuốn tiểu thuyết nói về hai cuộc đại chiến thế giới với phong cách kể chuyện hoàn toàn khác nhau, đem đến những góc nhìn phong phú giúp độc giả hiểu thêm về lịch sử và văn hóa, đời sống xã hội cũng như con người Cộng hòa Séc.

Một tác phẩm văn chương Đức của Bernhard Schilink được giới thiệu trong chương trình ngày 11/5 tại Viện Goethe Hà Nội. Tác phẩm 9 màu chia ly (Lê Quang dịch) là tập hợp câu chuyện về những cuộc chia tay đầy day dứt, cuộc chia tay giải thoát, về thành công, thất bại của tình yêu, sự tin tưởng và phản bội.

Bìa sách thiếu nhi của Gianni Rodari. Ảnh: K.Đ.

Văn học và sách cho thiếu nhi luôn có vị trí đặc biệt trong loạt sự kiện “Những ngày văn học châu Âu”. Sáng 7/5, chương trình giao lưu về tác phẩm Chuyện kể trên điện thoại diễn ra tại Trung tâm văn hóa Casa Italia, Hà Nội. Tác phẩm của Gianni Rodari - một trong những tác giả nổi tiếng viết cho thiếu nhi của thế kỷ 20 - được xuất bản tiếng Việt với phần cập nhật, minh họa.

Nhân vật chính của tác phẩm là thương nhân Bianchi, một người phải đi khắp mọi miền đất nước Italy và chỉ trở về nhà với gia đình vào chủ nhật. Mỗi tối, đúng lúc 21h, dù đang ở đâu, ông cũng gọi điện về nhà để kể cho con gái nghe một câu chuyện qua điện thoại, nếu không được nghe một câu chuyện chúc bé ngủ ngon, cô bé sẽ không sao ngủ được.

Workshop “Chăm sóc hành tinh của chúng mình” lấy tên theo bộ sách 8 cuốn từ Tây Ban Nha diễn ra từ 9h30 ngày 7/5 tại Viện Goethe Hà Nội.

Tại chương trình, các thành viên của tổ chức bảo tồn động vật hoang dã WildAct sẽ trò chuyện về môi trường. Các em thiếu nhi cùng tìm hiểu về bộ sách Chăm sóc hành tinh của chúng mình, tham gia làm quả địa cầu từ giấy tái chế. Workshop được thực hiện với mong muốn truyền cảm hứng cho độc giả nhỏ để tình yêu thiên nhiên và ý thức môi trường được nuôi dưỡng, phát triển một cách tự nhiên.

Trong khuôn khổ chương trình năm nay, công chúng được tiếp cận nhiều hơn tư tưởng của triết gia Pháp Michel Serres về trẻ em và thanh niên đối mặt với những thách thức của thời đại công nghệ.

Với vấn đề về giới tính và vai trò của phụ nữ trong xã hội, công chúng sẽ được kết nối trực tuyến với tác giả Judith Butler trong buổi thảo luận về hình tượng người phụ nữ Hy Lạp Antigone.

Tác giả Yêu sách của Antigone, nhà triết học Judith Butler, sẽ giao lưu trực tuyến với bạn đọc trong khuôn khổ chương trình. Ảnh: Y.N.

Thắt chặt hợp tác trong xuất bản

“Những ngày văn học châu Âu” được thực hiện từ mong muốn mang tới những cuốn sách hay tới bạn đọc. Tác phẩm được giới thiệu trong khuôn khổ chương trình năm nay là những ấn phẩm văn học được dịch từ nhiều nước khác nhau như: Bỉ (Wallonie-Bruxelles), Anh, Pháp, Đức, Hungary, Italy, Tây Ban Nha...

Các dịch giả, nhà nghiên cứu, phê bình văn chương Việt sẽ tham gia vào chuỗi chương trình, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và các nước châu Âu.

“Những ngày văn học châu Âu sẽ mang đến những tác phẩm văn học có giá trị cho người đọc. Sách thiếu nhi châu Âu có bề dày truyền thống trên thị trường sách Việt Nam. Được thiết kế đẹp mắt, các cuốn sách sẽ đưa các bạn nhỏ vào những thế giới khác nhau thông qua những câu chuyện thú vị và hình ảnh minh họa đầy màu sắc”, đại diện ban tổ chức thông báo.

Ngoài các cơ quan văn hóa, các nhà xuất bản, công ty sách cũng tham gia chuỗi hoạt động văn chương trong tháng 5 này. Tham gia chương trình từ năm đầu tiên, công ty Nhã Nam đã giới thiệu tới công chúng nhiều tác phẩm văn chương châu Âu giá trị.

Bà Phương Thu, Phó phòng truyền thông công ty Nhã Nam, cho rằng: “Những ngày văn học châu Âu” là hoạt động ý nghĩa, một sân chơi thú vị cho bạn đọc nhỏ tuổi, đông đảo công chúng. Qua đó, tác phẩm thuộc nhiều thể loại đến gần hơn với bạn đọc.

“Đây cũng là dịp để thắt chặt hiểu biết, quan hệ cộng tác giữa các đơn vị xuất bản và các cơ quan văn hóa, thúc đẩy khai thác và cho ra đời những cuốn sách tiếp theo”, bà Phương Thu nói.

Minh Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-sach-hay-o-chau-au-duoc-xuat-ban-bang-tieng-viet-post1314674.html