Nhiều rào cản với sức khỏe và cơ hội

Với hệ thống chính sách, pháp luật về dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi không ngừng được hoàn thiện, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, đến nay, đồng bào DTTS, đặc biệt là phụ nữ DTTS vẫn còn những khoảng cách trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả phát triển...

Bất bình đẳng giới đe dọa sức khỏe và cơ hội của phụ nữ

Số liệu thống kê và kết quả nghiên cứu trong các lĩnh vực: Chính trị, xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe… cho thấy, phụ nữ DTTS là nhóm có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau. Bất bình đẳng giới đã và đang khiến phụ nữ DTTS trở thành những người yếu thế, không có được vị thế xứng đáng trong xã hội.

Trẻ em gái DTTS được đến trường sẽ mở ra những thay đổi lớn trong nhận thức, hành động của phụ nữ DTTS

Trẻ em gái DTTS được đến trường sẽ mở ra những thay đổi lớn trong nhận thức, hành động của phụ nữ DTTS

Các nghiên cứu thực tiễn thời gian qua đã chỉ ra một số vấn đề giới ở vùng DTTS đang nghiêm trọng hơn so với vấn đề giới nói chung ở Việt Nam. Cụ thể như: Tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái DTTS biết đọc, biết viết chữ phổ thông ít hơn đáng kể so với nam giới DTTS và nữ dân tộc Kinh. Chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng cho phụ nữ DTTS dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều phụ nữ DTTS sinh con tại nhà; tỷ lệ tử vong bà mẹ của một số nhóm DTTS cao gấp 4 lần phụ nữ dân tộc Kinh (nhất là các dân tộc Mông, Thái, Ba Na, Tày, Nùng, Dao). Tỷ lệ phụ nữ DTTS có việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp cao gấp đôi so với phụ nữ dân tộc Kinh nhưng phần lớn áp dụng kỹ thuật sản xuất lạc hậu, năng suất và sản lượng thấp. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cơ hội của trẻ em gái DTTS. Tảo hôn, kết hôn trẻ em đang đi kèm với mang thai sớm, đẻ dày, dẫn đến tử vong bà mẹ.

Một vấn đề khác cũng rất đáng lo ngại, đó là 90% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (trong đó người DTTS chiếm 80%). Chị em bị bán sang bên kia biên giới chủ yếu bị ép làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, đẻ thuê, cưỡng ép hôn nhân…

Những tín hiệu vui

Thực tế, đời sống của người phụ nữ DTTS đến nay vẫn còn rất nhiều gian nan, vất vả. Hơn ai hết, phụ nữ DTTS vẫn là đối tượng chịu nhiều tổn thương, thiệt thòi. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, lên với các trường chuyên biệt, trường dân tộc nội trú ở các tỉnh miền núi, đáng mừng là tỷ lệ bé gái đến trường đã ngang bằng, thậm chí có một số trường, bé gái còn nhiều hơn các bé trai. Không chỉ được đến trường, các bé gái DTTS còn rất vui vẻ, hòa đồng, tự tin tham gia vào các hoạt động tập thể của nhà trường. Nhiều em còn là học sinh xuất sắc, cán bộ đội, cán bộ đoàn tiêu biểu của nhà trường… Tại không ít thôn, bản vùng sâu, vùng xa, đã có những người phụ nữ đảm nhận rất tốt vai trò bí thư, trưởng thôn mà bà con tín nhiệm bình bầu. Với nhiều địa phương, Hội phụ nữ chính là địa chỉ tin cậy để tập hợp chị em, cùng nhau phát triển sinh kế, giúp nhau vượt khó, làm giàu. Đặc biệt hơn, có nhiều phụ nữ đã trở thành tấm gương sáng trong lao động, sản xuất - không chỉ làm giàu cho bản thân, các chị còn tạo việc làm cho nhiều chị em trong thôn, bản. Đáng trân trọng là, để có thể tham gia được vào các hoạt động của cộng đồng như thế, chị em phụ nữ DTTS phải vượt qua nhiều rào cản, kỳ thị, những tập tục lạc hậu đã tồn tại từ nhiều đời.

Có thể nói, hành trình khẳng định vị thế của phụ nữ DTTS là cả một chặng đường dài, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của nhiều cấp, bộ, ban ngành và các chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề rất cần được đầu tư, giải quyết thấu đáo. Bởi lẽ, thực tế đã cho thấy, khi người phụ nữ DTTS được học hành, được đào tạo, được trao cơ hội để phát triển năng lực, cảm xúc… họ sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào việc làm nên những thay đổi tích cực cho phát triển vùng DTTS và miền núi.

Phương Tú

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-rao-can-voi-suc-khoe-va-co-hoi-133491.html