Nhiều 'rào cản' phát triển kinh tế nông nghiệp ASEAN

Suy giảm năng suất lao động và nhịp độ tăng trưởng, bất ổn giá và hạn chế trong tiếp cận công nghệ kỹ thuật và biến đổi khí hậu là những vấn đề các nền kinh tế nông nghiệp ASEAN phải đối mặt.

Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 40 ngày 11/10.

Hợp tác nông lâm nghiệp là then chốt

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng, ASEAN giờ đây đã trở thành một cơ chế hợp tác khu vực thành công, đạt được nhiều thành tựu trên cả 3 trụ cột chính là Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa – Xã hội, duy trì được nguyên tắc đồng thuận.

Bên cạnh đó, ASEAN đang có những đổi mới căn bản về phương thức và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các thành viên cũng như với các đối tác bên ngoài. Vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế đối thoại, hợp tác khu vực ngày càng được củng cố và nâng cao, là nhân tố quan trọng thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, nông nghiệp đóng vai trò cốt lõi ảnh hưởng tới sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội của từng quốc gia thành viên ASEAN.

“Chúng ta cũng vui mừng trước những chuyển biến tích cực của ASEAN trong giai đoạn mới nhằm thực hiện các mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN 2025, bao gồm Kế hoạch hành động của Cộng đồng kinh tế ASEAN giai đoạn 2016-2025”, Phó Thủ tướng cho biết.

Theo đó, các thành viên của ASEAN đã ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do với 6 đối tác chủ chốt tại khu vực và hiện đang nỗ lực cùng các đối tác này sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định khu vực về Đối tác Kinh tế toàn diện (RCEP). “ASEAN đang hướng đến xây dựng cộng đồng tự cường, năng động, sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các liên kết khu vực”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, sự trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN có phần đóng góp quan trọng của ngành nông lâm nghiệp qua các thời kỳ. “Nông nghiệp đóng vai trò cốt lõi ảnh hưởng tới sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội của từng quốc gia thành viên và các đối tác trong khu vực”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Thực tế cho thấy, đối với hầu hết các quốc gia ASEAN, nông nghiệp được coi là bệ đỡ của nền kinh tế giúp các nước vượt qua nhiều biến động và khủng hoảng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững. Vì vậy, Phó Thủ tướng nhận định, hợp tác nông lâm nghiệp vẫn luôn là nội dung then chốt của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Có cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, các quốc gia Đông Nam Á có điều kiện thuận lợi để liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm trong khu vực.

Tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0

“Sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực và công nghệ đang tạo ra các rào cản cho sự phát triển chung, đòi hỏi các nước thành viên cần tăng cường hợp tác, tìm kiếm các giải pháp tối ưu hướng tới nền nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu kết hợp đổi mới khoa học công nghệ gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và bao trùm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các nền kinh tế ASEAN cần tận dụng được Cuộc CMCN 4.0 để có thể đi cùng nhau, làm chủ, dẫn dắt thị trường.

Theo nhiều nhà lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế ASEAN, ngành nông nghiệp của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các ngành kinh tế khác cụ thể trong việc sử dụng nguồn lực, nhất là lao động, đất đai và nguồn nước.

Nền nông nghiệp của khu vực đứng trước nhiều thách thức như suy giảm năng suất lao động nông nghiệp và nhịp độ tăng trưởng, chênh lệch đời sống giữa nông thôn và thành thị, tác động của biến đổi khí hậu.

"Cùng với đó, những thách thức về sự bất ổn lên xuống của giá cả hàng hóa nông sản, lương thực và hạn chế trong tiếp cận công nghệ kỹ thuật, cùng bệnh dịch là những vấn đề các nền kinh tế nông nghiệp ASEAN phải đối mặt", Bộ trưởng Bộ Nông lâm nghiệp Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Liane Thykeo đánh giá.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng các nền kinh tế ASEAN cần tận dụng được Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có thể đi cùng nhau, làm chủ, dẫn dắt thị trường.

"Các nước thành viên ASEAN cần chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa. Bên cạnh đó, phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết trong đó doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối và quản lý đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi giá trị”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thy Hằng

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/nhieu-rao-can-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-asean-137685.html