Nhiều quy định mới trong kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

Tập trung thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV), giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) nhằm giảm thiểu nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế là những nội dung mới trong Thông tư Quy định về KSNK trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) thay thế Thông tư số 18/2009/TT-BYT.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội thảo.

Để khắc phục những hạn chế trong KSNK và định hướng phát triển công tác KSNK trong các cơ sở KBCB, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư Quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở KBCB thay thế Thông tư số 18/2009/TT-BYT. Ngày 31-7, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Thông tư này với sự tham gia của đại diện các Sở Y tế, bệnh viện trực thuộc Trung ương, tỉnh.

Gánh nặng bệnh tật vì nhiễm khuẩn bệnh viện

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, NKBV đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở KBCB trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước chậm và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.

Tỷ lệ NKBV ở các nước phát triển khác nhau dao động trong khoảng 3,5% - 12%. Phân tích gần đây của WHO cho thấy các ca NKBV ở các nước đang phát triển thường xảy ra với tần suất cao hơn do hạn chế nguồn lực so với các nước phát triển.

ThS Trần Hữu Luyện, Phó Chủ tịch Hội KSNK Thừa - Thiên Huế cho biết, NKBV tại Việt Nam làm tăng gấp 2-3 lần thời gian nằm viện và tăng gấp 2 lần chi phí điều trị trực tiếp. Đáng báo động là nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng A.baumannii, K.pneumoniae... gặp ở 19%-31% NK ở bệnh nhân có phẫu thuật, trong đó là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở 5%-10% người bệnh mắc NKBV. "Tỷ lệ nhân viên y tế tuân thủ các quy trình KSNK trong chăm sóc người bệnh nói chung và người bệnh phẫu thuật nói riêng thường chỉ đạt tỷ lệ 50%-70%. Tỷ lệ người bệnh được sử dụng liều kháng sinh dự phòng đúng trước phẫu thuật chỉ đạt 10-20%", BS Luyện cho hay.

Bên cạnh đó, tỷ lệ NK tiết niệu chiếm khoảng 25% số người bệnh mắc NKBV, trong đó 80% liên quan đến đặt thông tiểu dẫn lưu bàng quang. Tỷ lệ vệ sinh tay ở nhân viên y tế dù đã tốt hơn trước nhưng cũng chỉ dao động từ 30-40%.

Tháng 3 vừa qua, 200 đơn vị đã ký cam kết triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường KSNK, phòng ngừa lây nhiễm bệnh trong bệnh viện. Công tác KSNK đã đạt được những thành tích đáng khích lệ về chính sách; về tổ chức hệ thống; hoạt động KSNK được triển khai thực hiện với chất lượng ngày càng cao tại hầu hết các cơ sở KBCB. “Bước đầu các bệnh viện thực hiện giám sát ca bệnh NKBV, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình KSNK, giám sát vi sinh vật gây NKBV và kháng kháng sinh, từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh bệnh viện, chủ động phòng chống bệnh dịch...”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.

Tuy nhiên công tác KSNK của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, vai trò của người làm công tác y tế cũng chưa được quy định rõ về trách nhiệm trong thực hiện KSNK. Một số người đứng đầu cơ sở KBCB hiện nay vẫn chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác KSNK, do vậy việc đầu tư nguồn lực cho hoạt động KSNK chưa phù hợp và hiệu quả. Nhân lực giám sát chuyên trách KSNK thiếu ở hầu hết các bệnh viện. Đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát NKBV chưa được đào tạo do vậy chưa thực hiện được giám sát chủ động, liên tục các loại NKBV thường gặp và giám sát các vi khuẩn đa kháng kháng sinh.

Bên cạnh đó, nguồn lực cho KSNK còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác KSNK tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng quy định. Công tác KSNK tại các bệnh viện tập trung nhiều vào giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải mà chưa chú trọng vào công tác giám sát bao gồm giám sát tuân thủ thực hành KSNK và giám sát tỷ lệ NKBV.

Thông tư mới kiểm soát chặt nhiễm khuẩn bệnh viện

Tới đây, ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị như phát triển nội soi, phẫu thuật tim mạch, ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc…. Các chuyên khoa hệ nội, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm nay đã có sự phát triển thành các lĩnh vực chuyên môn sâu, triển khai nhiều kỹ thuật đòi hỏi phải vô khuẩn cao. Sự phát triển đó đòi hỏi công tác KSNK phải được tăng cường, phát triển tương xứng, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất NKBV, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

PGS.TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, Thông tư Quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở KBCB thay thế Thông tư số 18/2009/TT-BYT sẽ có nhiều nội dung đổi mới, quy định cụ thể về công tác KSNK tại các bệnh viện.

Theo đó, về hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn, các cơ sở KBCB có từ 150 giường bệnh trở lên phải có đầy đủ Hội đồng, khoa/bộ phận và mạng lưới KSNK; các cơ sở KBCB có dưới 150 giường bệnh tối thiểu phải có bộ phận KSNK thuộc phòng kế hoạch tổng hợp, có mạng lưới KSNK và có người phụ trách KSNK làm việc toàn thời gian; cơ sở KBCB không có giường bệnh nội trú tối thiểu phải phân công một người phụ trách KSNK.

Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở KBCB. Thông tư cũng đưa ra các yêu cầu đào tạo của Lãnh đạo khoa/người phụ trách KSNK, người làm giám sát chuyên trách, khử khuẩn, tiệt khuẩn.

Về nhiệm vụ chuyên môn, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát NKBV, Giám sát tuân thủ thực hành KSNK. Trao quyền hạn và trách nhiệm cho bộ phận giám sát chuyên trách trong việc thực hiện giám sát NKBV, giám sát tuân thủ thực hành KSNK của tất cả người hành nghề, sinh viên, học sinh, người bệnh, người nhà người bệnh. Một số nhiệm vụ khác về vệ sinh môi trường (vệ sinh bề mặt, diệt côn trùng…), nhà vệ sinh, phòng chống bệnh dịch cũng đã được bổ sung vào Thông tư.

Theo Thông tư mới này, các bệnh viện được phép xã hội hóa công tác vệ sinh bệnh viện, xử lý chất thải, đồ vải và dụng cụ y tế dưới sự kiểm soát chuyên môn của KSNK và tuân thủ các quy định hiện hành.

“Thông tư KSNK là một bước tiến quan trọng trong việc định hướng KSNK vào những nhiệm vụ trọng tâm đó là thực hiện giám sát NKBV, giám sát tuân thủ thực hành KSNK nhằm giảm thiểu nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/37174002-nhieu-quy-dinh-moi-trong-kiem-soat-nhiem-khuan-benh-vien.html