Nhiều quốc gia 'nối gót' Mỹ, EU áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, 'hiệu ứng domino' manh nha xuất hiện, Bắc Kinh có kịp trở tay?
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro ngày càng tăng khi áp lực tăng thuế nhập khẩu ăn miếng trả miếng lan rộng, từ các nước tiên tiến sang các nước kém phát triển hơn, theo các nhà phân tích.
Bắc Kinh từ lâu vốn được coi là công xưởng của thế giới, đã phải hứng chịu các biện pháp thuế quan nhắm vào tấm pin mặt trời, xe điện (EV), thép, nhôm và thậm chí cả hàng hóa bán lẻ giá trị thấp.
Christopher Beddor, Phó giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc của Gavekal Dragonomics tại Hong Kong, cho biết việc tăng thuế đối với hàng xuất khẩu của Bắc Kinh có thể gây áp lực tăng trưởng vì thương mại đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Danh sách các quốc gia, khu vực tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc hiện bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Canada, ngoài ra còn một số thị trường mới nổi như Brazil, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ. Nhật Bản cũng đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một loại sản phẩm cao su.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có ý định áp một loạt các mức thuế mới và tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 27/9, khẳng định cam kết bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược.
Các mức thuế này bao gồm mức thuế 100% đối với xe điện, 50% đối với pin mặt trời và 25% đối với thép, nhôm, pin xe điện và các khoáng sản quan trọng. Các mức thuế này được đưa ra theo sau mức thuế của Washington nhắm vào 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào năm 2019 - là một phần của cuộc chiến thương mại kéo dài dai dẳng từ năm 2018.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng cho biết, đã sẵn sàng áp dụng mức thuế 35,3% đối với xe điện được sản xuất tại Trung Quốc, ngoài mức thuế nhập khẩu ô tô tiêu chuẩn là 10%. Ủy ban này nghi ngờ các khoản trợ cấp của Bắc Kinh đang giữ giá xe điện ở mức thấp.
Stephen Olson, nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho biết: "Nguy cơ xung đột thương mại leo thang là rất thực tế".
Ông cho biết, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chỉ tăng tính cạnh tranh hơn khi Bắc Kinh tiếp tục bồi dưỡng "lực lượng sản xuất mới" - một thuật ngữ được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra cách đây một năm để nhấn mạnh nhu cầu phát triển kinh tế dựa trên sự đổi mới trong các lĩnh vực sản xuất tiên tiến.
"Cam kết của Trung Quốc trong việc thúc đẩy lực lượng sản xuất mới là vững chắc và điều đó gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng trong xuất khẩu có tính cạnh tranh cao về chi phí", ông Olson cho hay.
Tuần trước Ấn Độ cho biết sẽ áp dụng mức thuế từ 12% đến 30% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương.
Tháng 6, Thổ Nhĩ Kỳ từng công bố mức thuế bổ sung 40% đối với xe nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ tháng 7.
Tháng 4, Mexico cũng áp thuế tạm thời từ 5 đến 50% đối với 544 mặt hàng như thép và nhôm, từ các quốc gia mà nước này không có thỏa thuận thương mại - bao gồm cả Trung Quốc. Chính phủ Mexico viện dẫn lý do theo đuổi "điều kiện thị trường công bằng" cho các ngành công nghiệp của nước mình.
Nối gót Mexico, Brazil dự kiến sẽ tăng thuế đối với xe điện từ mức 18% hiện tại lên 35% vào tháng 7/2026 để khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nội địa. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, xuất khẩu ô tô sang Brazil từ tháng 1 đến tháng 5 đã tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước lên 159.612 chiếc.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, khi các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và EU áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc, nhiều quốc gia đang phát triển lo ngại sẽ phải "gánh" luồng hàng hóa dư thừa từ Bắc Kinh nên sớm có động thái ngăn chặn.
Jayant Menon, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, dự báo: "Có khả năng sẽ xảy ra hiệu ứng domino, khi các quốc gia khác cũng đồng loạt tăng thuế đối với hàng Trung Quốc".
Trung Quốc đã nộp đơn kiện lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vì thuế nhập khẩu mà EU áp lên xe điện nước này, cho rằng thuế nhập khẩu của EU vi phạm các quy tắc của WTO và làm ảnh hưởng đến việc hợp tác toàn cầu về giải quyết biến đổi khí hậu. Đồng thời, kêu gọi Mỹ đảo ngược quyết định mở rộng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc; nỗ lực giảm bớt lo ngại về tình trạng dư thừa năng lực sản xuất ở nước ngoài.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của các công ty Trung Quốc khỏi các biện pháp "phân biệt đối xử".
Dù vậy, không phải quốc gia nào cũng "e ngại" Trung Quốc. Mới đây, ngày 11/9, trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã nói các nước thành viên EU và EC nên cân nhắc lại để tránh một cuộc chiến thương mại có thể nổ ra.
Chuyên gia Stephen Olson dự đoán sẽ có "một cuộc tranh luận sôi nổi tiếp tục với EU về thuế xe điện. Và một số thỏa thuận thương mại được thương thảo với Trung Quốc để tránh hoặc giảm thuế là hoàn toàn có khả năng".