Nhiều quốc gia nỗ lực kiểm soát nội dung Internet

Vào đầu năm 1996, John Perry Barlow, nhà sáng lập Tổ chức Ranh giới Điện tử (EFF), từng tuyên bố rằng Internet độc lập khỏi các Chính phủ quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, điều này đang dần thay đổi khi Chính phủ nhiều nước bắt đầu tìm cách kiểm soát nội dung trên Internet.

Trong bối cảnh nhiều vấn đề trỗi dậy trên mạng xã hội, nhiều quốc gia nỗ lực tìm cách kiểm soát. (Nguồn: AP).

Trong bối cảnh nhiều vấn đề trỗi dậy trên mạng xã hội, nhiều quốc gia nỗ lực tìm cách kiểm soát. (Nguồn: AP).

Nhiều vấn đề trỗi dậy

“Tôi tuyên bố không gian xã hội toàn cầu mà chúng tôi đang xây dựng sẽ độc lập khỏi các quy định mà các bạn tìm cách áp đặt” - ông Barlow viết - “Các bạn không có quyền áp đặt quy định với chúng tôi, và cũng không sở hữu các biện pháp hành pháp mà chúng tôi phải lo ngại”.

Ông Barlow đã qua đời vào năm ngoái, nhưng tuyên bố của ông đến nay vẫn phản ánh lại quan điểm của phần đông người dùng cho rằng Internet là một thứ gì đó tách biệt, độc lập, nơi mà các quy định truyền thống không - và không thể - được áp dụng.

Trong suốt nhiều năm liền, lối suy nghĩ tự do của ông Barlow đã trở thành tư tưởng dẫn dắt cho các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon, là điều thúc đẩy họ chống lại mọi nỗ lực kiểm soát giới công nghệ, hoặc thay đổi hành vi của con người trên Internet. Và sự thiếu quy định này cho phép các công ty công nghệ xây dựng nên những đế chế lớn, mang lại cho họ nguồn doanh thu khổng lồ.

Ngày nay, Thung lũng Silicon đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa tiềm ẩn. Trong bối cảnh toàn thế giới đang quan ngại về vấn nạn thông tin giả mạo, chiến dịch reo rắc tầm ảnh hưởng đến hành vi con người, các vấn đề an ninh mạng và làn sóng trỗi dậy của các nội dung số mang tư tưởng bạo lực, cực đoan và thù hận… ngày càng có nhiều quốc gia tìm cách kiềm chế các tập đoàn công nghệ lớn.

Nhiều nước nỗ lực giải quyết

Tuần trước, Australia đã công bố một bộ luật mới nhằm phản ứng trước vụ thảm sát đẫm máu xảy ra tại thành phố Christchurch, New Zealand - vụ việc mà trong đó thủ phạm xả súng phát trực tiếp về diễn biến gây tội ác của mình trên mạng xã hội. Theo bộ luật mới, các công ty Internet như Facebook và Google có trách nhiệm gỡ bỏ nội dung độc hại hoặc đối mặt với khoản tiền phạt khổng lồ, thậm chí những người có trách nhiệm sẽ bị bỏ tù.

Dù Australia từng có nhiều lần tỏ ra thái quá trong việc kiểm soát Internet - như một kế hoạch lập ra danh sách đen các website độc hại của họ vào năm 2010 - nhưng quốc gia này không đơn độc trong chiến dịch thúc đẩy quyền kiểm soát đối với Internet đang diễn ra trên toàn cầu. Trong hôm đầu tuần này, Chính phủ Anh cũng đề xuất dự luật mới nhằm kiểm soát các nội dung bạo lực, tin tức giả mạo và nội dung độc hại khác trên Internet.

Cũng giống như Australia, các quy định mới trong dự luật sẽ quy trách nhiệm với các công ty công nghệ, thiết lập cơ quan kiểm soát Internet, áp dụng mức phạt tiền…

“Chúng tôi nhận thấy rõ rằng, quyền tự điều hành của các công ty công nghệ là không đủ và giờ là lúc cần thiết để đưa ra các quy định” - ông Jeremy Wright, Bộ trưởng Văn hóa số, truyền thông và thể thao của Anh, cho hay, đồng thời cam kết sẽ buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm nếu “phát đi nội dung độc hại trên mạng”.

Ở Mỹ, nơi mà các công ty công nghệ được hưởng lợi lớn nhất trong nhiều thập kỷ quy định được nới lỏng cùng sự bảo hộ trong tự do ngôn luận, cũng xuất hiện nhiều lời kêu gọi thắt chặt quy định.

Tuần trước, ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ Andrew Yang đã đưa ra đề xuất thành lập một cơ quan kiểm tra thông tin và tin tức “với quyền đưa ra mức phạt tiền đối với các công ty vi phạm”.

“Chúng ta cần có tự do báo chí và trao đổi thông tin. Nhưng cũng phải đối diện với thực tế rằng, thông tin giả đang lan tràn trên mạng xã hội, đe dọa tới nền dân chủ” - ông Yang nói - “Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi những kẻ vi phạm ở nước ngoài có ý định gây tổn hại tới chúng ta. Chúng ta cần phải bắt đầu kiểm soát và ra lệnh trừng phạt những bên vi phạm”.

Trong khi đó, ở Singapore, một dự luật chống tin tức giả cũng đang được đưa ra thảo luận. Theo dự luật này, hành động phát tán “thông tin sai sự thực”, thông tin “gây tổn hại” tới an ninh, an sinh của Singapore hoặc tổn hại tới “các mối quan hệ tốt đẹp của Singapore với các quốc gia khác”…sẽ bị coi là phạm pháp.

Linh Chi

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/khoa-hoc/nhieu-quoc-gia-no-luc-kiem-soat-noi-dung-internet-144554.html