Nhiều phương tiện mắc kẹt trong 'bãi lầy' trên đường HCM qua Quảng Trị

Đoạn đường HCM-nhánh Tây đang thi công đắp cao chống ngập lụt thành 'bãi đất lầy' khiến nhiều phương tiện 'mắc kẹt'...

Đoạn đường Hồ Chí Minh- nhánh Tây đoạn Km 274 thành "bãi đất lầy"

Đoạn đường Hồ Chí Minh- nhánh Tây đoạn Km 274 thành "bãi đất lầy"

Sáng 19/9, tại đoạn Km 274 đường Hồ Chí Minh - nhánh Tây, nhiều phương tiện bị “mắc kẹt” từ sáng sớm đến quá trưa, khi toàn bộ mặt đường đoạn đường phía trước thành “bãi lầy” ngổn ngang. Một số tài xế cho biết, tình trạng này đã không ít lần xảy ra kể từ khi đoạn đường Hồ Chí Minh - nhánh Tây, đoạn qua xã Tà Long (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) được đắp đất lên cao.

Lãnh đạo Đội CSGT Công an huyện Đakrông cũng cho biết, từ khi thi công đắp đất cao lên, đoạn đường này thành “bãi lầy” mỗi khi trời mưa xuống. “Mỗi lần tắc là rất vất vả. Hôm qua, chúng tôi vào từ sáng sớm và đến 13h30 mới thông đường được”- lãnh đạo Đội CSGT huyện Đakrông cho hay.

Phương tiện thi công san gạt, hỗ trợ phương tiện qua "bãi lầy" đường Hồ Chí Minh đang được thi công đắp lên cao chống ngập lụt

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trong đợt mưa lũ đầu tháng 9, các phương tiện lưu thông trên đường Hồ Chí Minh - nhánh Tây từ QL9 vào cửa khẩu quốc tế La Lay (huyện Đakrông, Quảng Trị) và huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế)… và ngược lại, cũng đã phải vất vả “lội bùn” qua đoạn đường đang thi công dài khoảng hơn 50m này. Sau đó, trời tạnh ráo, nhà thầu thi công tiếp tục đắp đất lên cao, khiến đoạn đường này sình lầy nặng hơn khi trời mưa xuống.

Ông Nguyên Trung Thông, Chi cục trưởng Chi cục QLĐB II.05 (Cục QLĐB II) cho biết, đây là đoạn đường thi công chống ngập lụt (đắp cao lên 4m), được triển khai từ nguồn vốn bảo trì, tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, do Công ty CP QL&XD đường bộ Quảng Trị thi công từ khoảng 2 tháng nay.

Đoạn đường nhếch nhác trong đợt mưa đầu tháng 9

Khi được đắp đất cao lên, mưa xuống đoạn đường thành "bãi lầy"

Theo thiết kế, tại đoạn đường đắp cao lên 4m chống ngập lụt này, bên dưới đắp đất K95 rồi K98, sau đó rải cấp phối đá dăm (25 phân) và thảm bê tông nhựa (12 phân). Tuy nhiên, hiện mới thi công đến lớp đất K98, gặp thời tiết bất lợi, xe ô tô, đặc biệt là ô tô tải nặng chạy qua, đoạn đường đang thi công bị sình lầy nặng. Trong sáng 19/9, đơn vị thi công tiếp tục “trực chiến” để hỗ trợ kéo các phương tiện qua và tổ chức san gạt.

Từ trưa 19/9, nhà thầu đã tiến hành rải đá cấp phối để khắc phục sình lầy tại đoạn đường trên và đến chiều cùng ngày (19/9) đoạn đường trên đã thông xe.

Theo lãnh đạo Chi cục QLĐB II.05, bây giờ nếu chờ trời nắng khô ráo thi công tiếp lớp K98 rất lâu, nếu gặp mưa xuống lại gặp tình trạng sình lầy như cũ. Do đó, mặc dù lớp K98 chưa đạt cao độ, nhưng Chi cục đã chỉ đạo nhà thầu thi công tiến hành rải đá để đảm bảo giao thông.

Đoạn đường đắp đất cao chống ngập lụt thành "bãi lầy" vừa được rải đá để phương tiện lưu thông qua, chiều 19/9

"Theo thiết kế, sau lớp K95 và K98 rồi đến lớp cấp phối 25 phân, sau đó thảm bê tông nhựa 12 phân. Nhưng bây giờ để đảm bảo giao thông, thay vì lớp cấp phối 12 phân, nhà thầu phải bỏ tiền rải đá cấp phối thành 45- 50 phân”- lãnh đạo Chi cục QLĐB II.05 cho hay.

Theo tiến độ, hạng mục công trình thi công chống ngập lụt trên sẽ hoàn thành trong tháng 9. Tuy nhiên, theo Chi cục QLĐB II.05, do thời tiết bất lợi, đặc biệt là đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và 5, nên khả năng công trình sẽ phải xin gia hạn.

Duy Lợi

Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/nhieu-phuong-tien-mac-ket-trong-bai-lay-tren-duong-hcm-qua-quang-tri-d435479.html