Nhiều phim tài liệu hay của châu Âu ra mắt khán giả Việt Nam

Liên hoan có đến 25 tác phẩm được trình chiếu, trong đó có 15 tác phẩm Việt Nam và 10 tác phẩm đến từ các nước châu Âu

Liên hoan Phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 10 diễn ra từ ngày 31-5 đến 9-6 tại TP HCM và Hà Nội. Hai điểm chiếu là Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương (465 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội) và Trường ĐH Hoa Sen (8 Nguyễn Văn Tráng, quận 1, TP HCM), vào cửa tự do. Đây là sự kiện thường niên do Hiệp hội Các viện văn hóa và Đại sứ quán các nước châu Âu (EUNI) phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương của Việt Nam tổ chức.

Trong sự kiện lần thứ 10 này, liên hoan có đến 25 tác phẩm được trình chiếu, trong đó có 15 tác phẩm Việt Nam và 10 tác phẩm đến từ các nước châu Âu: Áo, Bỉ, Đức, Pháp, Đan Mạch, Tây Ban Nha, CH Czech, Israel, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh. Khác những mùa trước, ban tổ chức không giới hạn chủ đề phim. Một số tác phẩm đáng chú ý: Phim "Nữ thẩm phán" (Bỉ) của đạo diễn Jean Libon & Yves Hinant, theo chân nữ thẩm phán Anne Gruwez tại thủ đô Brusseles, trong các cuộc điều tra tội ác, thẩm vấn, khám nghiệm hiện trường của bà…, phim giành Giải César 2019 (giải thưởng của điện ảnh Pháp) hạng mục "Phim tài liệu xuất sắc nhất" và nhiều giải khác; phim "Angela Merkel - Hơn cả bất ngờ" của đạo diễn Matthias Schmidt & Torsten Körner là các cuộc phỏng vấn bạn bè, cấp dưới, các nhà lãnh đạo khác về Thủ tướng Đức Angela Merkel; phim "Người lạ, giống Pháp" của đạo diễn Philippe Rostan có nội dung kể lại câu chuyện trong cuộc chiến Đông Dương, hàng ngàn trẻ em có mẹ là người Việt, cha là người Pháp ra đời. Sau chiến tranh, những đứa trẻ này bị đưa vào trại mồ côi và sau đó trở về Pháp, bất chấp nguyện vọng của người mẹ; phim "Tôi béo" mang chủ đề chống miệt thị ngoại hình; phim "David Hockney: Một phong cảnh mở" của đạo diễn Bruno Wolheim; phim "Khuyết tật bẩm sinh" của đạo diễn Christian Sønderby Jepsen…

Phim “Nữ thẩm phán”. Nguồn: IDFA

Phim “Nữ thẩm phán”. Nguồn: IDFA

Việt Nam tham gia liên hoan có "Hãy nhớ: Bạn đang sống" của đạo diễn Đoàn Hồng Lê (đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc tại Giải Cánh diều 2018), kể về cô gái nông thôn mắc bệnh ung thư; phim "Trầm cảm sau sinh" của đạo diễn Đỗ Thị Huyền Trang - Trịnh Quang Tùng (đoạt giải Phim khoa học xuất sắc tại Giải Cánh diều 2018).

Ngoài ra, chủ đề về môi trường, kêu gọi bảo vệ nguồn sống cũng được thể hiện trong nhiều phim. Khán giả muốn hiểu hơn về văn hóa, xã hội, con người các nước cũng có thể được thỏa mãn thông qua các phim chủ đề này. Việt Nam cũng giới thiệu với khán giả 2 phim: "Nghìn năm sơn ta - Trăm năm sơn mài" và "Đàn bầu kể chuyện".

Thưởng thức các phim tài liệu, khán giả có cơ hội phân tích xã hội, đặt câu hỏi về mối quan hệ với môi trường và khám phá các vùng lãnh thổ mới cũng như chủ đề liên quan lĩnh vực âm nhạc, di sản, thiết kế, các vấn đề thời sự... được quan tâm.

M.Khuê

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/nhieu-phim-tai-lieu-hay-cua-chau-au-ra-mat-khan-gia-viet-nam-20190530215959808.htm