Nhiều phim chất lượng, có quá khó để tìm vàng?

Năm nay, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 21 có 16 phim điện ảnh tham dự, Ban tổ chức LHP cho biết, sẽ không cố gắng bằng mọi giá phải có Bông sen Vàng nếu không có phim xuất sắc. Nhưng nhìn vào danh sách phim tham dự, có thể thấy phim chất lượng không thiếu, vấn đề là dựa vào tiêu chí nào để tìm vàng mà không gây tranh cãi?

Ban tổ chức LHP Việt Nam năm 2019 cho biết: Năm nay có 16 phim truyện điện ảnh, 29 phim tài liệu, 9 phim khoa học, 20 phim hoạt hình dự thi. Ngoài ra còn có một chương trình toàn cảnh với sự tham dự của 14 phim truyện điện ảnh, 16 phim tài liệu.

Cục Phó Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết phim được chọn dự thi LHP Việt Nam 21 là những phim giàu bản sắc dân tộc, nội dung tư tưởng giàu tính nhân văn, giàu sáng tạo nghệ thuật. Tương tự năm trước, LHP Việt Nam vẫn cho phim làm lại (remake) dự thi tất cả các chương trình, tuy nhiên trong trường hợp phim được tuyển chọn vào vòng dự thi sẽ được xét các giải thưởng dành cho cá nhân về đạo diễn, diễn viên, quay phim, họa sĩ, âm thanh, âm nhạc (trừ giải thưởng cho phim và tác giả kịch bản).

LHP Việt Nam lần thứ 21 có nhiều phim chất lượng tham gia nhưng Ban giám khảo cho biết, không quá gò ép để tìm Bông sen vàng. (Ảnh từ phim Song Lang)

LHP Việt Nam lần thứ 21 có nhiều phim chất lượng tham gia nhưng Ban giám khảo cho biết, không quá gò ép để tìm Bông sen vàng. (Ảnh từ phim Song Lang)

Về cơ bản, hệ thống giải thưởng chính vẫn bao gồm: Giải thưởng dành cho phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và giải thưởng dành cho cá nhân (đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên, họa sĩ, âm nhạc, âm thanh). Ngoài ra còn có giải bình chọn của khán giả, giải thưởng của các cơ quan, đoàn thể và tổ chức xã hội (nếu có).

Thực tế là đã có nhiều kỳ LHP không trao Bông sen Vàng, do điểm chấm của giám khảo không đến khung vàng, chỉ dừng ở mức bạc. Và tất nhiên, hạng mục giải thưởng được chú ý nhất bao giờ cũng dành cho phim điện ảnh.

Nhìn vào danh sách 16 phim truyện điện ảnh dự thi Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 có thể thấy khá đầy đủ những cái tên “làm mưa, làm gió” điện ảnh trong nước năm vừa rồi và rất đa dạng thể loại, đa dạng nội dung như: Khi con là nhà, 11 niềm hy vọng, Người bất tử, Tháng năm rực rỡ, Thạch Thảo, Song Lang, 100 ngày bên em, Anh thầy ngôi sao, Lật mặt: Nhà có khách, Cua lại vợ bầu, Nơi ta không thuộc về, Hạnh phúc của mẹ, Hai Phượng, Hợp đồng bán mình, Thưa mẹ con đi, Truyền thuyết về Quán Tiên.

Đáng chú ý nhất là Hai Phượng, Thưa mẹ con đi và Song Lang. Thực tế là có nhiều phim vẫn thắng doanh thu, vẫn được khen ngợi như Tháng năm rực rỡ – nhưng với đặc thù là phim remake, phim của đạo điễn Nguyễn Quang Dũng khó có cơ hội cạnh tranh với những bộ phim được truyền thông dành nhiều khen ngợi như Thưa mẹ con đi và Song Lang. Càng khó để cạnh tranh với Hai Phượng – đến giờ vẫn là phim Việt giữ kỷ lục doanh thu phòng vé và có những bước đi rất đáng nể khi giới thiệu phim đến với khán giả quốc tế. Hai Phượng cũng đang là đại diện Việt Nam tranh dự vòng sơ loại cho giải phim nước ngoài hay nhất tại Oscar năm 2020.

Tuy nhiên, không phải không có chút tiếc nuối khi một vài cái tên được ngợi khen khác không kịp tham dự LHP lần này, tiêu biểu cho dòng phim kinh dị, từng nhận nhiều lời khen ở LHP quốc tế Busan như: Bắc Kim Thang hay Thất sơn tâm linh.

Công bằng mà nói, chất lượng của các phim điện ảnh trong nước những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể. Thể loại hài nhảm bớt hẳn, các bộ phim tập trung về nét đẹp văn hóa truyền thống được chú trọng hơn. Cách xây dựng kịch bản, các tiết tấu phim dần hợp lý và chặt chẽ, các vấn đề nhạy cảm như đồng tính được xử lý khéo léo và được khen ngợi nhiều hơn. Không những thế, nhân sinh quan, triết lý sống đưa vào phim đã bớt khẩu hiệu, gượng gạo và gò ép. Việc khán giả chờ đón phim Việt ra rạp cũng là thước đo rõ ràng nhất về chất lượng của các bộ phim.

Nhưng cái khó của giám khảo chính là: Chọn tiêu chí nào, giữa phim nghệ thuật hay phim thị trường. Ranh giới của hai xu hướng làm phim này thực tế vẫn khó được xóa nhòa. Hai Phượng – thắng doanh thu lớn nhưng vẫn còn những ý kiến trái chiều về nội dung và diễn biến mạch phim. Và thực tế là khó có thể gọi Hai Phượng là phim nghệ thuật. Vì vậy, khi đi tranh giải Oscar, Hai Phượng vẫn để lại những tranh cãi không nhỏ đối với khán giả trong nước. Còn Song Lang, có thực sự là phim nghệ thuật? Dù rất nhiều khen ngợi nhưng Song Lang ra rạp khá trầm lắng.

Sự mơ hồ của ranh giới các phim sẽ khó cho Ban giám khảo lên tiêu chí đánh giá. Có năm, Ban giáo khảo cân bằng hai tiêu chí: Nghệ thuật và thị trường là 50 - 50. Nhưng Em chưa 18 được giải vẫn chưa được lòng số đông công chúng – vì cơ bản vẫn là phim giải trí mà thôi, khó tham dự các giải thưởng lớn được. Vì thế, dù có nhiều phim, việc chọn được Bông sen Vàng vẫn chưa bao giờ là dễ dàng với Ban giám khảo trong mỗi kỳ LHP Việt Nam cả.

LHP Việt Nam lần thứ 21 sẽ được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày 23-11 đến ngày 27-11 với khẩu hiệu: Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập.
Lễ khai mạc lúc 20g ngày 23-11 và lễ bế mạc lúc 20g ngày 27-11 được truyền trực tiếp trên Kênh truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam (Vietnam Journey).

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-phim-chat-luong-co-qua-kho-de-tim-vang-170416.html