Nhiều ôtô bị 'nhốt' dưới hầm chung cư, 'cò thổi giá đất' náo loạn Vân Đồn

Bitexco 'tháo chạy', 10 doanh nghiệp nhảy vào dự án Thanh Đa – Bình Qưới; Hàng trăm người vây công ty bất động sản ở Đà Nẵng đòi sổ đỏ suốt đêm; Hàng chục ô tô bị 'nhốt' trong hầm chung cư sau sự cố hy hữu; Quảng Ninh lập đoàn thanh tra 'dẹp loạn' thổi giá đất ở Vân Đồn... là những thông tin đáng chú ý về bất động sản tuần qua.

Bitexco 'tháo chạy', 10 doanh nghiệp nhảy vào dự án Thanh Đa – Bình Qưới

Dự án Bình Quới - Thanh Đa được phê duyệt quy hoạch năm 1992 với tổng diện tích rộng hơn 426 ha, bao gồm toàn bộ địa bàn phường 28, quận Bình Thạnh với dân số khoảng 45.000 người. Sau hơn 26 năm không thể triển khai dự án nên Bitexco “tháo chạy”, hiện đã có 10 doanh nghiệp sẵn sàng tham gia đấu thầu dự án này.

Đường vào dự án xuống cấp nhiều năm khiến người dân đi lại khó khăn.

Đường vào dự án xuống cấp nhiều năm khiến người dân đi lại khó khăn.

10 doanh nghiệp tham gia đấu thầu dự án này gồm: Liên danh Công ty CP AGR.3000 Việt Nam, Gaudha Putih (Thaidand), Liên danh Công ty CP Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land, Công ty Golden Wealth Golbal Pty. Ltd, Công ty TNHH Roytrade, Công ty CP Đầu tư Quốc tế FED Việt Nam; Công ty TNHH TM Petro Đông Nam Á, Liên danh Công ty CP Đầu tư Thương mại DV Thuận Tuấn, Công ty CP Tập đoàn Sunshine; Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh, Công ty CP Xử lý ùn tắc giao thông - Môi trường; Công ty CP Quy hoạch- Kiến trúc Gia Bảo; và Công ty CP Tập đoàn PTDT Thái Thành Vân. (Xem chi tiết)

Ai 'chống lưng' cho khu du lịch sinh thái trái phép ở Thái Nguyên?

Sau khi dư luận phản ánh đến sai phạm tại dự án khu du lịch sinh thái trải nghiệm Yasmin Farm (thuộc xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên) của doanh nghiệp Công ty TNHH Thái Việt, mới đây UBND TP Thái Nguyên ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với Công ty TNHH Thái Việt vì xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng.

Công ty TNHH Thái Việt xây dựng nhiều công trình kiên cố trong khu du lịch sinh thái trái phép.

Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý khi để doanh nghiệp này "hô biến" hàng trăm nghìn m2 đất nông nghiệp thành khu du lịch sinh thái mà không được xử lý nghiêm cho đến khi báo chí phản ánh. Phải chăng có sự "chống lưng" để bao che cho sai phạm tồn tại. (Xem chi tiết)

Hàng trăm người vây công ty bất động sản ở Đà Nẵng đòi sổ đỏ suốt đêm

Tối 14/3, hàng trăm khách hàng đã vây trụ sở công ty bất động sản Hoàng Nhất Nam (tại Đà Nẵng) để đòi quyền lợi của mình liên quan đến 3 dự án Bách Đạt 1, Khu đô thị 7B mở rộng, Hera Complex Riverside ở địa bàn thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) mà công ty này là đơn vị phân phối theo hợp đồng ký kết với Công ty Bách Đạt An.

Người dân kéo tới trụ sở Cty Hoàng Nhất Nam vào tối 14/3 để đòi quyền lợi đất đai.

Tại đây, đại diện hàng trăm khách hàng đã đọc đơn yêu cầu công ty minh bạch số tiền đang giữ của gần 1.000 khách hàng với hơn 600 tỷ đồng (?) Đề nghị công ty giải thích chính đáng việc chậm ra sổ đỏ của dự án mà khách hàng đã nộp tiền theo hợp đồng… (Xem chi tiết)

Quảng Ninh lập đoàn thanh tra ‘dẹp loạn’ thổi giá đất ở Vân Đồn

Trước tình trạng làm giá, thổi giá đất tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập đoàn thanh tra quản lý, sử dụng đất các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vân Đồn.

Khu đô thị Đông Xá (tên thường gọi khu đô thị Phương Đông) của Cty Cp đầu tư xây dựng đô thị Phương Đông đang trong quá trình xây dựng hạ tầng nhưng hiện đang được rao bán và thổi giá tràn lan ở Vân Đồn.

Nội dung thanh tra gồm: Thanh tra việc quản lý sử dụng đất của các dự án kinh doanh hạ tầng khu đô thị, trong đó tập trung vào tiến độ triển khai các dự án, việc tuân thủ các quy định điều kiện góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thế chấp ngân hàng…; việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản; việc triển khai các chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan đến quản lý sử dụng đất trên địa bàn của UBND huyện Vân Đồn. (Xem chi tiết)

Hàng chục ô tô bị 'nhốt' trong hầm chung cư sau sự cố hy hữu

Sự cố hỏng thang vận chuyển ô tô tại tòa chung cư 89 Phùng Hưng (tên thượng mại là The Sun Garden), phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội do công ty Cổ phần thương mại Hà Tây làm chủ đầu tư khiế hàng chục chiếc xe ô tô của cư dân bị "nhốt" dưới hầm của tòa nhà nhiều ngày. Điều đáng nói, sau sự việc tòa nhà này lộ ra hàng loạt bất cập, tồn tại.

Chiếc ô tô bị trượt thang vận từ tầng hầm 3 cắm đầu xuống tầng hầm 4.

Cu thể như, cư dân phản ánh đã về ở được hơn 3 năm nhưng chủ đầu tư vẫn chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ra Ban quản trị; Tiền 2% phí bảo trì tòa nhà chủ đầu tư đang "ôm" chưa bàn giao lại cho cư dân; Chất lượng dịch vụ, hệ thống PCCC của tòa nhà không đảm bảo; Cư dân phải mua điện nước trực tiếp từ chủ đầu tư với giá cao… (Xem chi tiết)

TPHCM xử phạt một doanh nghiệp xây trái phép cả siêu thị

UBND quận Gò Vấp (TPHCM) vừa xử phạt Công ty da cổ phần da giày Sagoda (công ty Sagoda) 40 triệu đồng về hành vi cơi nới, xây dựng trái phép... cả một siêu thị tại công trình Trung tâm thương mại dịch vụ siêu thị tại số 12/78 đường Phan Huy Ích, P.14, Q.Gò Vấp, TPHCM. Công trình này xây dựng không có giấy phép với phần móng vi phạm diện tích 5.000 m2, sàn tầng hầm công trình vi phạm 2.000 m2...

Công ty Sagoda xây dựng "lụi" hàng ngàn m2.

Theo quy định, công ty Sagoda phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong vòng 60 ngày bằng cách liên hệ cơ quan chức năng lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định, nếu chủ đầu tư không xuất trình được giấy phép cho cơ quan có thẩm quyền trong thời gian này sẽ bị buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm. (Xem chi tiết)

'Lệnh' kiểm tra 2.000 ha đất dự án đô thị bỏ hoang ở ngoại thành Hà Nội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra và xử lý phản ánh của báo chí liên quan đến gần 2.000 ha đất dự án đô thị bị bỏ hoang gây lãng phí nghiêm trọng tại huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Một dự án "ôm" đất bỏ hoang cả thập kỷ ở huyện Mê Linh.

Cụ thể, các chủ đầu tư đưa ra lý do là điều chỉnh lại quy hoạch vì khi chuyển từ Vĩnh Phúc về Hà Nội, khó giải phóng mặt bằng nên không triển khai nhưng thật ra là do thị trường bất động sản tại đây đóng băng. Trong khi đó, phần lớn các dự án đã huy động vốn từ khi chưa giải phóng mặt bằng, có dự án đã bán, thu tiền 100% giá trị lô đất. Nếu thành phố Hà Nội không có chế tài nghiêm khắc, câu chuyện còn tiếp diễn. (Xem chi tiết)

Ninh Phan

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/dia-oc/nhieu-oto-bi-nhot-duoi-ham-chung-cu-co-thoi-gia-dat-nao-loan-van-don-1389638.tpo