Nhiều ông trùm 'đào tẩu' đều bị bắt giữ, ông chủ Nhật Cường còn dám lẩn trốn đi đâu

Với sự tài giỏi, chuyên nghiệp của lực lượng điều tra công an Việt Nam, nhiều bị can, tội phạm khét tiếng dù lẩn trốn kể cả ra nước ngoài nhưng đều bị truy bắt về chịu tội. Đây là bài học cho những kẻ tẩu thoát hãy nhanh chóng đầu thú để được nhận sự khoan hồng của pháp luật.

Và đây là những dẫn chứng "đình đám" nhất để chứng minh cho điều ấy.

Cuối tháng 12/2017, Phan Văn Anh Vũ thường được gọi là Vũ "nhôm" đã vi phạm Luật Di trú của Singapre và bị trục xuất. Bộ Nội vụ Singapore cho hay, người mang quốc tịch Việt Nam Phan Van Anh Vu bị tạm giữ ngày 28/12/2017. Ông Phan Văn Anh Vũ có ba hộ chiếu khi bị giữ ở Singapore này từng ra vào Singapore bằng hai cuốn hộ chiếu Việt Nam khác nhau, trong đó có hộ chiếu với nhân dạng không đúng. Ngoài ra, Phan Van Anh Vu còn sở hữu chiếc hộ chiếu thứ ba. Những ngày đầu tháng 1/2018, Vũ nhôm đã bị trao trả về Việt Nam.

Trước đó, Phan Văn Anh Vũ bị truy nã theo thông báo đỏ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) do Việt Nam yêu cầu. Trong khi chỉ vài ngày trước đó, ngày 21/12/2017, Vũ nhôm bị khởi tố và truy nã về tội Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước theo điều 263 Bộ luật Hình sự 1999. Ngay sau đó, liên tiếp các phiên tòa đã được mở để xét xử Vũ nhôm với án tù trong nhiều năm được tuyên.

Một vụ việc khác vào giữa năm 2017 thu hút sự chú ý lớn của người dân khi Trịnh Xuân Thanh đã phải về Việt Nam đầu thú vào ngày 31/7/2017, sau hơn 1 năm bị truy nã quốc tế. Trong chương trình thời sự VTV lúc 19h tối cùng ngày, Trịnh Xuân Thanh cho biết sau quá trình "trốn chạy do suy nghĩ không chín chắn, tôi thấy rằng cần phải quay về để đối diện với sự thật. Thứ hai là cần về gặp lại mọi người, đặc biệt là những lãnh đạo để báo cáo nhận khuyết điểm, xin lỗi. Gia đình động viên, tôi đã xin về tự thú để được hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật…". Trịnh Xuân Thanh sau đó cũng đã được tòa án xét xử.

Đơn xin tự thú của Trịnh Xuân Thanh sau hơn 1 năm lẩn trốn. Nguồn: VTV

Đơn xin tự thú của Trịnh Xuân Thanh sau hơn 1 năm lẩn trốn. Nguồn: VTV

Xa hơn một chút, cuộc đào tẩu của Dương Chí Dũng – ông chủ Vinalines nổi danh một thời, tưởng đã trốn thành công ở Mỹ nhưng lực lượng an ninh của Việt Nam đã bắt được "ông chủ" này sau 5 tháng lẩn trốn.

Lần giở lại sự việc, tháng 5/2012, cơ quan điều tra khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam ông Dũng về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Vinalines. Lệnh truy nã đặc biệt và lệnh truy nã quốc tế Dương Chí Dũng sau đó được Bộ Công an phát đi. Trước đó, ngày 17/5/2012, Dũng được cho là nghe thông tin sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam nên đã cùng với nhiều người khác, trong đó có cả em trai mình là Phó Giám đốc Công an Hải Phòng lúc đó (Dương Tự Trọng-PV) để bàn kế hoạch đào tẩu.

Dự định, Dũng sẽ trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch khu vực cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, sau đó sang Mỹ. Do không được nhập cảnh vào Mỹ, ngày 27/5/2012, Dũng buộc phải quay lại Campuchia. Ngày 4/9/2012, Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ và 5 tháng sau (ngày 22/2/2013), người em trai Dương Tự Trọng bị bắt khi đang giữ chức Phó cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội, Bộ Công an.

Thật đau xót khi cả hai anh em Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng đều vướng vòng lao lý. Trong đó Dương Tự Trọng giữ chức vụ lớn trong ngành công an đã giúp anh mình bỏ trốn.

Không chỉ hợp tác quốc tế tốt, trong nước, với nhiều kẻ gây án khét tiếng khác từng gây rúng động dư luận lẩn trốn như vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước chỉ sau 3 ngày, các chiến sĩ tinh nhuệ của Việt Nam đã bắt được 2 nghi can để đưa ra xét xử và chịu tội khiến dư luận thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng không rút ra được bài học từ đa phần cuộc "đào tẩu" thất bại, những "tấm gương tề liếp" như vài ví dụ đơn cử vừa kể trên, Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Hà Nội lại chọn con đường bỏ trốn.

Bùi Quang Huy bị cáo buộc cùng các đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu xuyên quốc gia; lập, sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán nhằm để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng doanh thu; nhập lậu nhiều thiết bị điện tử sau khi móc nối với một số nhà sản xuất ở nước ngoài. Và ngày 18/5, Bộ Công an đã phát lệnh truy nã với Bùi Quang Huy.

Trả lời trên báo điện tử Tổ Quốc, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đình Hương từng nhấn mạnh, vụ việc Nhật Cường phải làm cho rõ "ai đứng đằng sau", "ai chống lưng", "ai bảo kê ai", "ai chịu trách nhiệm" thì "phải lôi ra hết".

Dẫn ra những ví dụ nhiều bị can lẩn trốn trên để thấy, dù bị can có mưu mô, xảo quyệt như thế nào, dù việc lẩn trốn có tính toán đường đi nước bước kỹ càng với sự hậu thuẫn của anh em, thân cận như Dương Chí Dũng, dù có giữ chức vụ cao tới thế nào như Trịnh Xuân Thanh hay có tới tận 3 cuốn hộ chiếu như Vũ nhôm… chắc chắn, chúng sẽ bị bắt hoặc phải ra đầu thú.

Bùi Quang Huy- "ông chủ lẩn trốn" của Nhật Cường.

Do vậy, Bùi Quang Huy lúc này chả còn con đường nào khác ngoài việc bị bắt hoặc phải tự thú để hưởng khoan hồng của pháp luật. Và nếu có ai đó giúp cho Bùi Quang Huy bỏ trốn thì số phận cũng không khác gì vụ việc Dương Chí Dũng vừa kể trên.

Với sự quyết tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an và Ban chuyên án, đặc biệt là với kinh nghiệm dày dặn, tận tâm tận lực, tinh thông nghiệp vụ của các điều tra viên Bộ Công an, người dân hoàn toàn có thể đặt niềm tin vững chắc rằng lực lượng sẽ nhanh chóng tìm ra được Bùi Quang Huy, "ông chủ lẩn trốn" của Nhật Cường về chịu tội./.

Thái Tùng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ong-chu-nhat-cuong-du-tron-o-dau-cung-se-som-bi-bat-giu-20190520063635994.htm