Nhiều 'ông lớn' ngành xây dựng vẫn gặp khó

Quý 3/2019, nhiều ông lớn ngành xây dựng giảm lãi, hàng tồn kho lớn, do chi phí đầu vào tăng, thủ tục cấp phép chậm và ngân hàng giảm tỷ lệ cho vay với bất động

CTCP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2019 với doanh thu thuần 4.615 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần 13.646 tỷ đồng, tăng 8% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 51% xuống còn 243,5 tỷ đồng.

Doanh thu giảm, trong khi giá vốn hàng bán tăng hơn 3% lên 4.344 tỷ đồng khiến lãi gộp quý 3 của Hòa Bình chỉ đạt 271,3 tỷ đồng, giảm 44%.

 Nhiều doanh nghiệp lớn ngành xây dựng gặp khó.

Nhiều doanh nghiệp lớn ngành xây dựng gặp khó.

Các chi phí phát sinh trong kỳ của Hòa Bình được tiết giảm. Theo đó, chi phí tài chính giảm 7% xuống 78,18 tỷ đồng; Chi phí quản lý doanh nghiệp (DN) giảm 7% xuống 135,8 tỷ đồng và chỉ có chi phí bán hàng tăng 45% lên 16,5 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, Hòa Bình đạt 68,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý III, giảm mạnh 66% so với cùng kỳ.

CTCP Xây dựng Coteccons cũng vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 3/2019 với các con số tiếp tục gây thất vọng cho các nhà đầu tư với doanh thu đạt 6.225 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tương ứng thu về 254 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với mức 574,5 tỷ đồng của cùng kỳ.

Doanh thu thuần giảm, doanh thu từ hoạt động tài chính và công ty con cũng giảm, kéo theo lợi nhuận sau thuế của Coteccons giảm hơn 65% so với cùng kỳ, còn 165 tỷ đồng. Từ cuối năm ngoái đến nay, lợi nhuận của Coteccons đã liên tục giảm sút và xuống mức thấp nhất nhiều năm qua.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Coteccons ghi nhận 16.262 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 478 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 60% so với cùng kỳ.

BCTC quý 3/2019 hợp nhất của CTCP Đầu tư xây dựng Ricons (Ricons) cho thấy tăng trưởng nhưng doanh thu thuần và lợi nhuận lũy kế 9 tháng đều giảm 3-4%, đạt lần lượt 5.186 tỷ đồng và 205,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số DN BĐS có số tồn kho lớn. Đơn cử như BĐS Phát Đạt, hàng tồn kho tính đến 30/9 lên tới 7.017 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Tồn kho chủ yếu là giá trị quỹ đất đã được bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp cho Nhà nước, chi phí san lấp mặt bằng, xây dựng và đầu tư cho các dự án đang triển khai.

Đánh giá về việc các doanh nghiệp xây dựng giảm lãi, BĐS tồn kho, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARs, cho rằng nguyên nhân đầu tiên là tín dụng vào BĐS bị siết, lãi suất tăng. Hiện nay, các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn khó khăn, có doanh nghiệp phải đi vay lãi ngoài.

Nguyên nhân thứ hai là các chi phí liên quan đến đầu vào của doanh nghiệp như logistics, nhân công, định mức đơn giá xây dựng trong 2 năm nay điều chỉnh tăng mạnh, chi phí đền bù đất đai bị đẩy lên, thủ tục hồ sơ trì trệ dẫn đến thời gian đầu tư của DN kéo dài, tốn kém… khiến cho đầu vào của ngành xây dựng, BĐS tăng lên.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cũng nhìn nhận nguyên nhân khiến các DN giảm lãi là tiến độ xây dựng các dự án đang chậm lại, nhiều dự án không thể triển khai được do vướng giấy phép dẫn đến công suất, sản lượng bị chậm lại. Hơn nữa, lãi suất ngân hàng tăng dẫn đến chi phí tài chính tăng, lợi nhuận của các công ty xây dựng, BĐS bị giảm.

Châu Anh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhieu-ong-lon-nganh-xay-dung-van-gap-kho-d507941.html