Nhiều nước ngưng bán vũ khí cho Saudi Arabia

Sau Mỹ và Đức, đến lượt Đan Mạch tạm ngưng bán vũ khí cho Saudi Arabia để chờ đến khi vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi được làm sáng tỏ.

Bộ Ngoại giao Đan Mạch ngày 22-11 cho biết, nước này sẽ không thông qua bất kỳ thỏa thuận bán vũ khí và trang thiết bị quân sự mới nào cho Saudi Arabia, cho đến khi vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi tháng 10 vừa qua được làm sáng tỏ. Trước đó, chính phủ Đức đã quyết định tạm ngừng tất cả hoạt động bán vũ khí cho Saudi Arabia, trong khi Pháp cho biết sẽ sớm ra quyết định liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Saudi Arabia là một trong những nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Từ năm 2015, nước này cũng dẫn đầu một liên minh quân sự can thiệp vào cuộc chiến tranh tại Yemen nhằm hỗ trợ chính quyền nước này truy quét nhóm nổi dậy Hồi giáo người Houthi. Trong thời gian qua, các bên tham chiến tại Yemen, trong đó có Saudi Arabia, đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ cộng đồng quốc tế yêu cầu chấm dứt cuộc chiến tranh đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng và đẩy quốc gia này vào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới.

Ngoại trưởng Anders Samuelsen tuyên bố, Đan Mạch tạm ngưng bán vũ khí cho Saudi Arabia. Ảnh: data-economy.com

Theo Ngoại trưởng Đan Mạch Anders Samuelsen, với mức độ nghiêm trọng của tình hình tại Yemen và vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, tình hình hiện nay đã thay đổi. Năm ngoái, Đan Mạch đã phê chuẩn 10 thương vụ bán vũ khí cho Saudi Arabia và theo Bộ Ngoại giao nước này, những hợp đồng đã ký trước đó sẽ không bị ảnh hưởng.

Mặc dù Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) khẳng định rằng, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đứng đằng sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi, song ngày 21-11, Tổng thống Donald Trump vẫn có lời đánh giá cao đóng góp của Saudi Arabia nhằm giảm giá dầu. Theo các nhà phân tích, đến nay, phản ứng mạnh nhất của Mỹ chỉ dừng lại ở việc trừng phạt 17 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khashoggi.

Phản ứng trước sự “làm ngơ” của Washington đối với cái chết của ông Khashoggi, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 21-11 đã đề nghị Mỹ không nên che đậy vụ sát hại nhà báo chỉ vì muốn duy trì quan hệ thương mại với Saudi Arabia. Ông Cavusoglu khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức đề nghị tổ chức một cuộc điều tra quốc tế nếu "bế tắc" với Saudi Arabia. Theo ông Cavusoglu, đây là một vấn đề nhân đạo và liên quan đến một vụ giết người, do đó không thể phớt lờ hay che đậy vụ việc này nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.

Tuy nhiên, “những lời kêu gọi buộc Thái tử Mohammed bin Salman phải chịu trách nhiệm trong vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại là ranh giới đỏ”, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir tuyên bố với báo chí ngày 22-11. Ông Adel al-Jubeir nhấn mạnh, tại Saudi Arabia, lãnh đạo đất nước là "ranh giới đỏ". Chính vì vậy, Riyadh không dung thứ mọi phát ngôn gây mất uy tín giới lãnh đạo. Ngoại trưởng Saudi Arabia cho biết, nước này đang tiến hành cuộc điều tra và sẽ trừng trị những cá nhân có liên quan. Quan chức ngoại giao Saudi Arabia đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ công bố tất cả bằng chứng về vụ việc trên thay vì "nhỏ giọt" thông tin. Ngoại trưởng al-Jubeir còn khẳng định, mọi biện pháp trừng phạt mà Mỹ có thể đưa ra sẽ là quyết định thiếu "nhìn xa trông rộng".

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nhieu-nuoc-ngung-ban-vu-khi-cho-saudi-arabia-555202