Nhiều nước lo ngại tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại

Đến 6h ngày 12-3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 119.067.676 ca mắc Covid-19, trong đó 2.640.230 trường hợp đã tử vong, 94.563.882 người đã hồi phục.

Nhiều nước châu Âu lo ngại tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn trong những ngày tới.

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển vắc xin, các công ty dược phẩm cũng đang tích cực nghiên cứu các phương pháp điều trị Covid-19. Hai công ty GlaxoSmithKline (GSK) của Anh và Vir Biotechnology của Mỹ thông báo phương pháp điều trị bằng kháng thể do hai công ty phát triển, đã giúp làm giảm số ca tử vong và số bệnh nhân phải nhập viện điều trị do Covid-19.

Theo GSK và Vir Biotechnology, trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng, kháng thể đơn dòng VIR-7831 do hai công ty phát triển có hiệu quả tới 85% trong việc giảm số ca bệnh Covid-19 nhập viện hoặc tử vong so với giả dược. Trên cơ sở thành công của cuộc thử nghiệm được tiến hành với sự tham gia của 583 bệnh nhân, hai công ty sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc này trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ và nhiều nước khác.

Hãng dược phẩm Eli Lilly (Mỹ) cũng thông báo phương pháp kết hợp hai loại kháng thể tổng hợp của hãng giúp giảm tới 87% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân Covid-19. Kết quả được đưa ra sau khi hãng tiến hành thử nghiệm phương pháp điều trị kết hợp loại kháng thể đơn dòng etesevimab với liều lượng 1400mg với một loại kháng thể khác là bamlanivimab có liều lượng 700mg theo 3 giai đoạn.

Châu Âu

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) khẳng định, việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 không làm gia tăng hiện tượng tắc nghẽn mạch máu. Động thái này diễn ra sau khi Đan Mạch, Na Uy và Iceland tạm dừng sử dụng vắc xin Covid-19 do AstraZeneca sản xuất, trong khi 5 quốc gia châu Âu khác - trong đó có Italia - cũng “cấm cửa” một số lô vắc xin loại này. Trước đó, EMA đã cấp phép sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Johnson & Johnson (Mỹ). Đây là vắc xin ngừa Covid-19 thứ tư được cấp phép sử dụng trong các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Trong bối cảnh Đức ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất kể từ ngày 4-2, Viện Robert Koch - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của nước này - cảnh báo làn sóng thứ ba của đại dịch Covid-19 đã bắt đầu ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Ba Lan ghi nhận thêm 21.045 ca mắc Covid-19, mức cao nhất kể từ tháng 11-2020. Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh, nước này sẽ siết chặt các quy định phòng dịch kể từ đầu tuần tới. Về phần mình, Hungary ghi nhận thêm 8.312 ca nhiễm, là mức cao nhất kể từ đầu dịch.

Tại Pháp, chính quyền Paris đang cân nhắc việc siết chặt các quy định phòng dịch trong bối cảnh sự lây lan ở vùng thủ đô và các khu vực lân cận tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Pháp dự kiến sẽ nới lỏng các hạn chế đi lại đối với du khách đến từ một số nước bên ngoài EU, trong đó không yêu cầu người đi và đến từ Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel, Anh, New Zealand phải có lý do thiết yếu.

Belarus ghi nhận những ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh. Các ca nhiễm này bao gồm những hành khách đến từ Ba Lan, Ukraine, Ai Cập, và cả những ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Tại Slovakia, trước sức ép từ dư luận về năng lực phòng dịch của chính phủ, Bộ trưởng Y tế nước này Marek Krajci đã từ chức. Hiện nay, Slovakia đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ số ca tử vong vì Covid-19 trên tổng dân số, chỉ sau Cộng hòa Séc.

Từ tuần tới, Bồ Đào Nha sẽ nới lỏng các quy định phòng dịch - vốn được áp dụng nghiêm ngặt suốt 2 tháng qua kể từ thời điểm quốc gia châu Âu này chứng kiến sự bùng nổ được xem là “tồi tệ nhất thế giới” của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nước này sẽ duy trì kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới với Tây Ban Nha cho tới lễ Phục sinh.

Châu Á

Hàn Quốc đã phê duyệt việc sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca cho những người trên 65 tuổi, đồng thời nỗ lực đẩy mạnh việc triển khai tiêm chủng loại vắc xin này sau khi các nghiên cứu mới ở nước ngoài cho thấy tính hiệu quả.

Tại Đông Nam Á, Campuchia đã ghi nhận ca đầu tiên tử vong do Covid-19, là một nam giới người Campuchia, 50 tuổi và là tài xế riêng của một người Trung Quốc tại tỉnh Preah Sihanouk (cũng là bệnh nhân Covid-19 có liên quan đến “Sự kiện lây nhiễm cộng đồng ngày 20-2” vừa qua).

Trong khi đó, Philippines có thêm 3.749 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, là mức tăng theo ngày cao nhất trong gần 6 tháng, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 607.048 ca.

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới do dịch Covid-19, với 543.539 ca tử vong trong tổng số 29.918.209 ca nhiễm. Tại đây, Alaska trở thành bang đầu tiên cho phép tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho mọi người dân trên 16 tuổi đang sinh sống hoặc làm việc tại bang này. Đến nay, bang này cũng đã tiêm hơn 290.000 liều vắc xin, trong đó có ít nhất 119.000 người đã được tiêm đủ mũi - đồng nghĩa khoảng 25% dân số bang đã được chủng ngừa ít nhất 1 liều vắc xin, đưa bang này trở thành địa phương đi đầu trong chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ.

Tại Nam Mỹ, Brazil đã phong tỏa Sao Paulo - bang đông dân nhất của nước này để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/993302/nhieu-nuoc-lo-ngai-tinh-hinh-dich-covid-19-dien-bien-phuc-tap-tro-lai