Nhiều nước Đông Nam Á lên kế hoạch dỡ bỏ hoàn toàn phong tỏa

Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch dỡ bỏ hoàn toàn phong tỏa đối với tất cả các loại hình kinh doanh và hoạt động trên toàn quốc từ ngày 1/7 sau khi thực hiện các bước chuẩn bị trong tháng 6.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trung tâm thương mại ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại trung tâm thương mại ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP

Ngày 29/5, Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia, Đại tướng Somsak Roongsita, cho biết động thái trên bao gồm dỡ bỏ những hạn chế về đi lại liên tỉnh, cũng như chấm dứt Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm. Khi tình trạng khẩn cấp được áp đặt từ 26/3 kết thúc vào cuối tháng 6 thì lệnh cấm đi lại quốc tế cũng sẽ được dỡ bỏ vào thời điểm đó.

Đại tướng Roongsita cho biết thêm việc mở cửa trở lại toàn bộ đất nước trong tháng 7 là giai đoạn cuối cùng trong kế hoạch gồm 4 giai đoạn nới lỏng phong tỏa kéo dài 2 tháng. Giai đoạn một của tiến trình này bắt đầu từ ngày 3/5. Giai đoạn hai bắt đầu từ ngày 17/5. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu từ ngày 1/6, theo đó thêm nhiều loại hình kinh doanh và hoạt động được phép mở cửa trở lại. Trung tâm Xử lý tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) trong ngày 29/5 sẽ hoàn tất danh sách những loại hình kinh doanh được phép hoạt động lại trong giai đoạn 3.

Nhằm đề phòng nguy cơ bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ hai ở Thái Lan, Cục Y khoa (DMS) sẽ thực hiện chương trình giám sát mới, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho 100.000 người đến cuối tháng 6. Xét nghiệm sẽ được thực hiện trên toàn quốc và tập trung vào hai nhóm nguy cơ cao là những người làm việc tại những nơi dễ bị lây nhiễm như nhân viên y tế và những người sống tại các khu vực đông dân cư khó áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa then chốt vốn được triển khai để ngăn chặn dịch COVID-19 tại thủ đô Manila. Quyết định này được đưa ra nhằm khôi phục nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn sau gần 3 tháng thực hiện cách ly nghiêm ngặt.

Theo đó, hầu hết các cơ sở kinh doanh sẽ được phép mở cửa lại từ ngày 1/6 tới. Các trung tâm thương mại mở cửa ở mức hạn chế khoảng 2 tuần. Hoạt động vận tải công cộng cũng vận hành trở lại ở mức giới hạn. Tuy nhiên, các trường học, quán bar, hàng ăn và các tiệm làm tóc vẫn tiếp tục phải đóng cửa. Người cao tuổi và trẻ nhỏ vẫn phải ở nhà, trừ khi cần ra ngoài mua các mặt hàng thiết yếu.

Thủ đô Manila với 12 triệu dân là khu vực “tâm dịch” COVID-19 tại Philippines. Thành phố này đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan và là một trong những thành phố áp đặt lệnh phong tỏa lâu nhất trên thế giới.

Chính phủ Myanmar ngày 28/5 thông báo gia hạn các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đến ngày 15/6 tới. Ủy ban Trung ương về Phòng ngừa, Kiểm soát và Điều trị COVID-19 nêu rõ quyết định trên không áp dụng đối với các biện pháp hạn chế đã được dỡ bỏ. Cùng ngày, Bộ Y tế và Thể thao đã bãi bỏ quy định cấm tập trung nhóm từ 5 người trở lên theo các điều kiện nhất định. Bên cạnh đó, Bộ này cũng thông báo dỡ bỏ biện pháp hạn chế đối với 4 trong số 10 quận huyện tại Yangon hiện đang thực hiện lệnh của chính phủ yêu cầu người dân ở nhà.

Trong khi đó, Indonesia đang chuẩn bị cho ngành du lịch vốn chịu tác động nặng nề của đại dịch bước vào thời kỳ “bình thường mới” khi các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan được nới lỏng.

Phát biểu trong cuộc họp Nội các hẹp, Tổng thống Joko Widodo đã chỉ thị các bộ trưởng chuẩn bị các biện pháp bảo đảm về mặt y tế và xây dựng các chiến lược quảng bá mới trước khi chính phủ quyết định cho phép ngành du lịch nối lại hoạt động.

Hiệp hội Lữ hành Indonesia cho biết, tổng cộng 180 danh thắng và 232 làng du lịch trên toàn Indonesia đã tạm thời phải đóng cửa do đại dịch. 98% trong tổng số 7.000 công ty lữ hành và các đại lý du lịch đã phải tạm ngừng hoạt động, khiến khoảng 1,4 triệu người mất việc làm. Ngoài ra, hơn 300.000 nhân viên không chính thức như hướng dẫn viên du lịch cũng chịu ảnh hưởng.

Ngành du lịch “đất nước vạn đảo” đang đối diện nguy cơ thất thu 4 tỷ USD do lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh và mất khoảng 4,1 triệu USD khi lượng khách nội địa cũng ít hơn từ tháng 1-4/2020.

Cùng ngày, Singapore thông báo quyết định ngừng sử dụng xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) như một tiêu chí để cho bệnh nhân COVID-19 xuất viện, thay vào đó sẽ thực hiện chính sách cho xuất viện căn cứ thời gian. Bộ Y tế Singapore nêu rõ quyết định trên có hiệu lực ngay lập tức, theo đó các bệnh nhân COVID-19 được đánh giá đã khỏi bệnh sau điều trị lâm sàng vào ngày thứ 21 kể từ khi khởi phát bệnh được xuất viện mà không cần tiến hành thêm PCR. Các trường hợp hoàn tất cách ly 21 ngày cũng sẽ được phép trở về nhà.

Quyết định này dựa trên bằng chứng khoa học mới rằng virus suy yếu sau 2 tuần tính từ khi khởi phát bệnh “mặc dù vẫn phát hiện tồn dư axit ribonucleic trong phản ứng chuỗi polymerase”.

NGỌC QUANG - MINH TÂM (TTXVN)

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/the-gioi/202005/nhieu-nuoc-dong-nam-a-len-ke-hoach-do-bo-hoan-toan-phong-toa-900601/