Nhiều nước đồng minh lâu năm không hợp tác với Mỹ để cấm Huawei

Anh kết luận rằng hoàn toàn có thể kiềm chế được rủi ro còn New Zealand có kế hoạch đánh giá vấn đề độc lập với Mỹ.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Những nỗ lực của Mỹ trong việc hạn chế sự phổ biến của sản phẩm thiết bị mạng 5G của Huawei Trung Quốc đang bắt đầu đối diện với nhiều khó khăn khi mà phía Anh kết luận rằng hoàn toàn có thể kiềm chế được rủi ro còn New Zealand có kế hoạch đánh giá vấn đề độc lập với Mỹ.

Theo Nikkei, khi mà căng thẳng với Trung Quốc xung quanh vấn đề thương mại và an ninh quốc gia tăng cao, phía Mỹ cáo buộc rằng thiết bị của Huawei có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp các nước khác. Huawei tất nhiên đã bác bỏ tất cả các cáo buộc trên, và ngay cả những đồng minh truyền thống của Mỹ cũng đang bắt đầu đặt câu hỏi về việc liệu có thực sự cần phải cấm hay không.

Trung tâm an ninh mạng của Anh (NSCS) kết luận rằng rủi ro từ việc sử dụng thiết bị của Huawei trong mạng lưới viễn thông tốc độ cao có thể giảm thiểu được, theo Financial Times đưa tin trong ngày Chủ Nhật. Một nguồn tin khác cho hay cuối cùng Anh sẽ có thể tính đến việc sử dụng nhiều nhà cung cấp khác nhau và hạn chế một phần.

Là một thành viên trong Fire Eyes - thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo giữa Mỹ, Canada, Australia và New Zealand và Anh, Anh có thể tác động đến chính sách của nhiều nước khác và khiến cho chiến dịch chống Huawei của Mỹ gặp khó.

Chi tiết kết luận của cơ quan an ninh quốc gia Anh hiện vẫn chưa được công bố đầy đủ. Ban giám sát của Anh chuyên trách Huawei cũng đã thừa nhận về một số rủi ro trong báo cáo thường niên công bố vào năm ngoái. Theo đó, có rất ít sự đảm bảo rằng tất cả những rủi ro đối với an ninh quốc gia Anh từ thiết bị của Huawei được kiểm soát đủ chặt chẽ.

Dù vậy, theo khẳng định của giáo sư đại học Keio đồng thời là một chuyên gia trong ngành truyền thông, ông Tatsuya Kurosaka, việc “cấm cửa” hoàn toàn Huawei sẽ có thể trì hoãn kế hoạch triển khai mạng 5G.

CEO của Vodafone, ông Nick Read, cho rằng việc cấm sử dụng thiết bị của Huawei sẽ có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp viễn thông châu Âu, trong đó làm tăng chi phí và trì hoãn việc triển khai mạng 5G.

New Zealand dường như cũng không chấp thuận cách làm của Mỹ. Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, cho biết rắng chính phủ New Zealand sẽ đánh giá những rủi ro với thiết bị của Huawei độc lập với Washington.

Rõ ràng, New Zealand như vậy đã thay đổi lập trường. Vào tháng 11/2018, New Zealand đã cấm một công ty viễn thông sử dụng thiết bị của Huawei thế nhưng vẫn nhấn mạnh rằng quyết định này không nhắm đến một công ty nào cụ thể.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/nhieu-nuoc-dong-minh-lau-nam-khong-hop-tac-voi-my-de-cam-huawei-3494087.html