Nhiều nước dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp

Theo Reuters và TTXVN, ngày 14-5, Thủ tướng Bỉ S.Wilmes khẳng định nước này sẽ tiến hành giai đoạn thứ hai của việc dỡ bỏ các hạn chế chống đại dịch, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được cải thiện. Bắt đầu từ ngày 18-5, các cơ sở giáo dục, ngoại trừ các trường tiểu học, sẽ mở cửa trở lại.

 Người dân ở Wellington, New Zealand ra ngoài khi tình trạng khẩn cấp quốc gia được dỡ bỏ.

Người dân ở Wellington, New Zealand ra ngoài khi tình trạng khẩn cấp quốc gia được dỡ bỏ.

Theo Reuters và TTXVN, ngày 14-5, Thủ tướng Bỉ S.Wilmes khẳng định nước này sẽ tiến hành giai đoạn thứ hai của việc dỡ bỏ các hạn chế chống đại dịch, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được cải thiện. Bắt đầu từ ngày 18-5, các cơ sở giáo dục, ngoại trừ các trường tiểu học, sẽ mở cửa trở lại.

* Tại Thụy Ðiển, chính quyền tiếp tục khuyến nghị người dân tránh đi ra nước ngoài cho đến ngày 15-7 và yêu cầu việc di chuyển nội địa chỉ nên giới hạn trong vòng một hoặc hai giờ bằng ô-tô. Số người chết vì Covid-19 tại Thụy Ðiển đã lên tới hơn 3.500 người.

* Theo đánh giá của Bộ Kinh tế LB Ðức, đại dịch có thể khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu thất thu thuế hơn 129 tỷ USD riêng trong năm 2020. Báo Bild (Hình ảnh) cho biết, dự kiến nguồn thu từ thuế của Chính phủ liên bang, các bang và địa phương ở Ðức sẽ mất khoảng 300 tỷ ơ-rô đến năm 2024. Thiệt hại do khủng hoảng trong năm nay ước tính ở mức 453,4 tỷ ơ-rô.

* Ngày 14-5, Chính phủ Armenia thông báo gia hạn tình trạng khẩn cấp tại nước này tới ngày 13-6 sau khi số ca bệnh mới trong ngày bắt đầu tăng trở lại. Ðầu tháng 5, Chính phủ Armenia đã mở cửa hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.

* Cơ quan giám sát vệ sinh Nga cảnh báo, Nga có thể phải hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ hai và thậm chí thứ ba của dịch khi chưa tìm được vắc-xin hoặc có miễn dịch cộng đồng. Tính tới nay, số người mắc Covid-19 tại Nga là hơn 250 nghìn người, trong đó hơn 40% số ca mắc mới không có biểu hiện lâm sàng.

* Trong bối cảnh nhiều bang tại Mỹ đang dần nới lỏng các quy định giãn cách xã hội nhằm mở cửa trở lại nền kinh tế vốn đang rơi vào tình trạng khó khăn, Thị trưởng Wasington M.Bowser thông báo kéo dài lệnh phong tỏa thủ đô đến hết ngày 8-6 khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại đây vẫn tiếp tục gia tăng. Trước đó, lệnh giãn cách xã hội dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 15-5.

* Tờ "Globe and Mail" cho biết biên giới Canada - Mỹ có thể sẽ tiếp tục đóng cửa đối với các hoạt động đi lại không thiết yếu tới ngày 21-6. Biên giới Canada - Mỹ thực hiện đóng cửa đối với các hoạt động đi lại không thiết yếu từ ngày 20-3 và theo kế hoạch lệnh cấm này sẽ hết hiệu lực vào ngày 21-5. Canada đã đề xuất kéo dài lệnh cấm này thêm 30 ngày.

* Chính phủ Chile đã ban bố lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực thủ đô Santiago sau khi số ca dương tính với vi-rút gây Covid-19 bất ngờ tăng tới 60% trong vòng một ngày, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 34 nghìn người. Ðến thời điểm hiện tại, Chile mới chỉ áp dụng quy định giãn cách xã hội linh loạt và có chọn lọc.

* Chính phủ Mexico thông báo sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế trên cả nước từ ngày 18-5 để dần khôi phục hoạt động kinh tế đình đốn suốt hai tháng qua. Tiếp đó, giai đoạn hai triển khai từ ngày 18 đến 31-5, sẽ cho phép nhiều ngành khôi phục hoạt động như ngành xây dựng, khai thác mỏ và sản xuất ô-tô.

* Tổng thống Mỹ D.Trump bất đồng sâu sắc với cố vấn y tế cấp cao, đồng thời là Giám đốc Trung tâm các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia của Mỹ A.Phau-xi về lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19 cũng như kế hoạch tiếp tục đóng cửa các trường học.

* Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết một tổ chức phi lợi nhuận đã vận chuyển dung dịch rửa tay sát khuẩn trị giá 81.400 USD tới Triều Tiên nhằm hỗ trợ nước này chống dịch. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng "bật đèn xanh" cho một tổ chức khác viện trợ 20.000 bộ quần áo bảo hộ cho Triều Tiên nhưng số hàng này chưa được chuyển.

* Truyền thông Nhật Bản ngày 14-5 đưa tin nước này chuẩn bị gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại 39 trong tổng số 47 tỉnh sau một tháng triển khai thực hiện.

* New Zealand đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia do số người mắc Covid-19 có chiều hướng giảm. Theo đó, nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vực vui chơi, phòng tập mở cửa trở lại từ ngày 14-5, các trường học nối lại hoạt động vào ngày 18-5 và quán rượu từ ngày 21-5. Chính phủ New Zealand đã công bố gói ngân sách kỷ lục 30 tỷ USD để hỗ trợ khôi phục kinh tế nước này bị ảnh hưởng của đại dịch.

* Sau bảy tuần áp dụng nghiêm ngặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch, Tổng thống Nam Phi S.Ramaphosa tuyên bố kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc từ cấp độ 4 hiện tại xuống cấp độ 3, bắt đầu từ cuối tháng này. Quỹ thất nghiệp đã chi trả gần 600 triệu USD cho hơn 2 triệu nhân công bị mất việc làm do dịch Covid-19.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44475402-nhieu-nuoc-do-bo-tinh-trang-khan-cap.html