Nhiều nước chỉ trích Trung Quốc kiểm soát hàng thủy sản đông lạnh

Nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ nói 'có rất ít hoặc không có bằng chứng' về thủy sản đông lạnh nhập vào Trung Quốc làm lây lan coronavirus nhưng đã bị làm quá lên.

 Các nhà khoa học cho rằng khả năng lây nhiễm Covid-19 trên thủy sản đông lạnh là rất thấp. Ảnh: BKP

Các nhà khoa học cho rằng khả năng lây nhiễm Covid-19 trên thủy sản đông lạnh là rất thấp. Ảnh: BKP

Động thái này diễn ra trong bối cảnh hiện có nhiều quốc gia xuất khẩu thủy sản đông lạnh vào thị trường Trung Quốc buộc phải tiến hành thêm các thủ tục sàng lọc coronavirus ở các cửa khẩu làm đội chi phí và tốn thời gian.

Nguyên nhân được phía Trung Quốc cho rằng, cá đông lạnh nhập khẩu là một trong những nguồn lây lan coronavirus. Trong khi đó, Trung Quốc tự cho các sản phẩm, hàng hóa của mình là ngoại lệ, không phải chịu các rào cản tương tự.

Sự việc được bắt đầu kể từ tháng 6 năm nay, khi xuất hiện một loạt ca nhiễm Covid-19 tại chợ hải sản Tân Phát Địa ở thủ đô Bắc Kinh và được giới chức Trung Quốc xác định nguồn nhập khẩu thực phẩm đông lạnh là thủ phạm tiềm năng.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, không hề có bằng chứng thực phẩm có liên quan đến việc lây lan coronavirus, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng đó là có thể. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho rằng, không cần thiết phải khử trùng bao bì đựng thực phẩm bởi nguy cơ lây nhiễm "được cho là rất thấp".

Và trường hợp tương tự lại vừa xảy ra tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông khi ngành y tế địa phương đang làm các xét nghiệm khoảng 11 triệu cư dân để tìm mầm bệnh coronavirus sau một đợt bùng phát mà họ cho rằng có liên quan đến hai công nhân bốc dỡ hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu bị nhiễm bệnh vào cuối tháng trước.

Lo ngại về các lô hàng thực phẩm đã thổi bùng một cuộc thanh kiểm tra quy mô lớn chưa từng thấy ở Trung Quốc. Theo đó, ngành hải quan cho biết họ đã kiểm tra ít nhất nửa triệu mẫu cá và thịt đông lạnh lấy từ các lô hàng nhập khẩu cập cảng nước này. Kết quả là chỉ có rất ít dấu vết của coronavirus, chẳng hạn như trên các gói mực đông lạnh từ Nga và cá từ Indonesia và Na Uy.

Đồng tình với quan điểm trên, giới chức ở nhiều quốc gia như Singapore và New Zealand cũng cho biết họ chưa từng thấy bằng chứng về sự lây truyền Covid-19 qua thực phẩm hoặc bao bì.

“Các biện pháp kiểm dịch của Trung Quốc, bao gồm kiểm tra tại các nhà máy chế biến, đóng gói ở nước ngoài là một sự hoài nghi và không được chứng minh về mặt khoa học", một Ủy ban quốc tế về giám sát thực phẩm khẳng định.

Trung Quốc đã tăng cường kiểm tra cá đông lạnh nhập khẩu để truy vết coronavirus kể từ tháng 6 khiến nhiều quốc gia phải lên tiếng. Ảnh: BKP

Jeff Farber, một thành viên của Ủy ban này, nguyên là giám đốc an toàn thực phẩm vi sinh của cơ quan y tế liên bang Canada, cho biết cách tiếp cận của Trung Quốc "tạo ra một sự mập mờ, hỗn loạn và nảy sinh chi phí không cần thiết cho ngành công nghiệp thực phẩm". Ông Jeff cho rằng, không loại trừ khả năng chính đội ngũ nhân viên chuỗi thực phẩm có thể đã bị nhiễm bệnh rồi lây sang cá, thịt bởi khả năng lây truyền virus từ các bề mặt vô sinh là cực thấp.

Các nhà khoa học cho biết, việc thu thập được mẫu Covid-19 từ cá hồi hoặc mực đông lạnh nhập khẩu còn phụ thuộc vào một chuỗi sự kiện và thường rất khó xảy ra. Nguồn đầu tiên lây lan vẫn là từ người bị nhiễm coronavirus sang bề mặt của thực phẩm hoặc bao bì, ví dụ như qua hắt hơi hoặc ho rồi sau đó tồn tại trong quá trình vận chuyển xuyên biên giới.

Trung Quốc đã bắt đầu tăng cường các chính sách xét nghiệm hàng hóa nhập khẩu kể từ tháng 6, theo đó lực lượng hải quan đã yêu cầu các công ty phải gửi thịt, sữa và các sản phẩm thực phẩm khác nhập vào nước này phải cam kết thực phẩm không bị nhiễm coronavirus. Đến tháng 7, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm đông lạnh đối với ba công ty của Ecuador sau khi phát hiện dấu vết của virus trên bao bì. Vào tháng 8, các nhà chức trách Thâm Quyến đã phát hiện thấy virus trên cánh gà từ Brazil.

Tuy nhiên các biện pháp giới hạn nhập khẩu hàng hóa của Cục Hải quan Trung Quốc và CDC nước này đã không phản hồi một cách đầy đủ và thuyết phục các yêu cầu từ phía các nước xuất khẩu.

Kim Long

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/nhieu-nuoc-chi-trich-trung-quoc-kiem-soat-hang-thuy-san-dong-lanh-d275407.html