Nhiều nước châu Âu mở cửa biên giới

Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 17-5, Bộ trưởng Ngoại giao Đức H.Ma-át kêu gọi Ba Lan và Séc sớm mở lại biên giới để cho phép hàng hóa lưu thông và hành khách di chuyển. Đức sẽ chấm dứt việc đóng cửa biên giới với Đan Mạch trong vài ngày tới. Từ ngày 15-6, Đức sẽ không kiểm tra tại khu vực biên giới với Pháp, Áo và Thụy Sĩ.

* Tại Áo, Bộ Nội vụ thông báo biên giới nước này với Séc, Xlô-va-ki-a và Hung-ga-ri sẽ được mở lại hoàn toàn vào ngày 15-6. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế vẫn được duy trì đối với những người tới từ I-ta-li-a.

* Sau hơn hai tháng triển khai lệnh phong tỏa đất nước, Chính phủ I-ta-li-a thông báo những hạn chế về đi lại trong phạm vi nội bộ từng vùng sẽ kết thúc vào ngày 18-5, song các chính quyền địa phương vẫn có quyền áp đặt trở lại những hạn chế nếu dịch tái bùng phát. Chính phủ I-ta-li-a cho phép du khách từ các quốc gia khác trong EU và khu vực Sen-ghen đến quốc gia này từ ngày 3-6.

* Thủ tướng Hung-ga-ri V.Ô-ban tuyên bố chính phủ sẽ dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế tại thủ đô Bu-đa-pét từ hôm nay (18-5), hai tuần sau khi nước này chấm dứt lệnh phong tỏa tại phần còn lại của đất nước. Thủ tướng V.Ô-ban khẳng định tình hình dịch tại Bu-đa-pét đã được kiểm soát, do đó Hung-ga-ri có thể thận trọng chuyển sang giai đoạn hai của phòng dịch.

* Thủ tướng Tây Ban Nha P.Xan-chét cho biết, chính phủ sẽ tìm cách gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm một tháng cho đến khi hoàn tất giai đoạn chuyển tiếp sau khi lệnh phong tỏa kết thúc. Nếu được Quốc hội thông qua, tình trạng khẩn cấp tại Tây Ban Nha sẽ kéo dài đến cuối tháng 6, thay vì kết thúc vào ngày 24-5 như kế hoạch cũ.

* Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết, Pa-ri lấy làm tiếc với “các quyết định đơn phương” về việc mở lại biên giới châu Âu của Tây Ban Nha, I-ta-li-a và Đức, kêu gọi các quốc gia EU phối hợp hành động trong thời kỳ hậu phong tỏa. Hầu hết các biên giới trong khu vực Sen-ghen, EU và Anh đều bị đóng trong vài tháng qua. Ủy ban châu Âu mong muốn mở lại các đường biên nội khối “một cách không phân biệt đối xử” vào khoảng giữa tháng 6 tới.

* Liên quan tình hình dịch bệnh tại Anh, Bộ Y tế nước này thông báo, Anh vẫn dẫn đầu châu Âu về số ca tử vong với gần 34.500 người. Tạp chí Sunday Times đưa tin, tài sản của 1.000 người giàu nhất nước Anh sụt giảm lần đầu tiên trong một thập kỷ qua do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch. Hơn 50% trong tổng số tỷ phú tại Anh đã mất đi khối tài sản lên tới 6 tỷ bảng/người và đây là mức giảm chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

* Chính phủ Nga đã yêu cầu Google chặn thông tin sai lệch về số ca tử vong do Covid-19 của Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích hai báo Financial Times và New York Times của Mỹ cho rằng những thống kê chính thức của Nga về số người tử vong do đại dịch ít hơn so với thực tế. Nga hiện đứng thứ hai thế giới về số ca mắc Covid-19.

* Thái-lan đã gia hạn lệnh cấm các chuyến bay quốc tế thêm một tháng, đến ngày 30-6 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Các trường hợp ngoại lệ bao gồm máy bay nhà nước, máy bay quân sự, máy bay hạ cánh khẩn cấp, các chuyến bay phục vụ viện trợ nhân đạo, cứu hộ, chở công dân nước ngoài về nước và chở hàng.

* Báo Yomiuri của Nhật Bản ngày 17-5 đưa tin, Trung Quốc và Hàn Quốc đã tham vấn Nhật Bản về việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới đối với những người đi lại vì mục đích kinh doanh nhằm khôi phục hoạt động thương mại. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn thận trọng trong việc nới lỏng kiểm soát biên giới do lo ngại làn sóng lây nhiễm mới.

* Bộ Y tế Ấn Độ thông báo, tính đến ngày 17-5, nước này ghi nhận hơn 92 nghìn ca mắc Covid-19. Trước đó, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất cho đến nay với gần 5.000 ca nhiễm mới. Hiện nước này có hơn 35 nghìn bệnh nhân Covid-19 đã bình phục và được xuất viện.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44509102-nhieu-nuoc-chau-au-mo-cua-bien-gioi.html