Nhiều nước châu Âu cảnh báo không nên vội vàng dỡ bỏ các biện pháp hạn chế

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6/5 cho rằng Nga không nên sớm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời cảnh báo mọi sự vội vàng có thể đảo ngược mọi thành quả đã làm được từ đầu mùa dịch đến nay.

Nhân viên xịt khử khuẩn cho hành khách tại sân bay Kazan, Nga nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 21/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên xịt khử khuẩn cho hành khách tại sân bay Kazan, Nga nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 21/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Putin cho biết các thống đốc bang sẽ chịu trách nhiệm về việc quyết định tiến độ dỡ bỏ các biện pháp ở địa phương mình.

Bình luận trên được đưa ra sau khi Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết tính đến trưa 6/5, nước này ghi nhận thêm 10.599 ca nhiễm, đưa tổng số ca nhiễm lên 165.929 người. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm tại Nga tăng hơn 10.000 ca. Theo hãng thông tấn TASS, Bộ trưởng Văn hóa Nga Olga Lyubimova đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hãng tin trên dẫn lời thư ký báo chí của Bộ trưởng cho biết bà Lyubimova có các triệu chứng nhẹ và vẫn tiếp tục làm việc từ xa, tổ chức các cuộc họp trực tuyến.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez kêu gọi Quốc hội nước này phê chuẩn gia hạn sắc lệnh tình trạng khẩn cấp, đồng thời cảnh báo việc bất ngờ chấm dứt gần 8 tuần phong tỏa sẽ là "không thể tha thứ". Phát biểu tại Quốc hội, ông Sanchez nêu rõ: "Phớt lờ nguy cơ đại dịch và dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quá nhanh có thể là sai lầm, một lỗi hoàn toàn không thể tha thứ".

Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại Tây Ban Nha từ ngày 14/3, ảnh hưởng tới gần 47 triệu người và là một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới. Sắc lệnh này đã được gia hạn 3 lần, trong bối cảnh Tây Ban Nha đang nỗ lực chống chọi với dịch bệnh khi đã ghi nhận hơn 25.800 ca tử vong và hơn 220.000 ca nhiễm. Người đứng đầu Ủy ban khẩn cấp của Bộ Y tế, Fernando Simon cho biết: "Chúng ta đang làm rất tốt. Sẽ rất buồn nếu dỡ bỏ phong tỏa nhanh hơn khuyến cáo, chúng ta sẽ đánh mất mọi thành quả đã làm được".

Trong một diễn biến khác, tại Anh, Thủ tướng Boris Johnsoncùng ngày cho biết có thể sẽ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc từ tuần tới, song cũng cảnh báo rằng ông sẽ không làm điều gì dẫn tới nguy cơ bùng phát một đợt nhiễm mới. Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Anh vượt Italy trở thành nước bị tác động nặng nề nhất ở châu Âu với hơn 32.000 ca tử vong. Ông Johnson bày tỏ "mỗi ca tử vong đều là một thảm kịch", song cho rằng vẫn chưa đủ số liệu để đưa ra một so sánh trên quy mô quốc tế.

Phát biểu tại Nghị viện lần đầu tiên kể từ khi nhập viện vì mắc COVID-19, ông Johnson cho biết chính phủ sẽ đánh giá lại các số liệu và sẽ đưa ra các bước tiếp theo vào ngày 10/5 tới.

Bích Liên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/nhieu-nuoc-chau-au-canh-bao-khong-nen-voi-vang-do-bo-cac-bien-phap-han-che-20200506223138883.htm