Nhiều nước châu Á phòng ngừa kịch bản xấu, sẵn sàng sơ tán công dân vì xung đột Mỹ-Iran

Philippines đã chuẩn bị các kế hoạch sơ tán hàng nghìn công dân khỏi Trung Đông trong khi Thái Lan, Ấn Độ bàn biện pháp đối phó tác động thương mại do căng thẳng Mỹ-Iran.

Thiếu tướng Qassem Soleimani (giữa, cúi đầu) thiệt mạng trong cuộc không kích của máy bay không người lái Mỹ tại Iraq. Ảnh: Fars News

Thiếu tướng Qassem Soleimani (giữa, cúi đầu) thiệt mạng trong cuộc không kích của máy bay không người lái Mỹ tại Iraq. Ảnh: Fars News

Một số chính phủ ở châu Á đang thận trọng theo dõi cuộc đối đầu Mỹ - Iran vừa nóng trở lại sau vụ Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công hạ sát viên tướng quyền lực của Iran, Qassem Suleimani, Tư lệnh đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo.

Theo báo Nikkei, Chính phủ Philippines đang tiến hành những bước chuẩn bị nhằm sơ tán hàng ngàn công dân khỏi Trung Đông. Chiều ngày 5/1, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông đã tổ chức cuộc họp khẩn với các quan chức cấp cao quân đội, cảnh sát. “Tổng thống đã yêu cầu quân đội chuẩn bị sơ tán các tài sản không, hải quân và đưa người dân của chúng ta trở về vì khi xung đột bùng phát ở Trung Đông có thể đe dọa tính mạng của họ”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines nêu rõ.

Tuyên bố trên nhấn mạnh ưu tiên của Chính phủ là đảm bảo an toàn cho 6.000 người Philippines tại Iraq và 1.600 người khác tại Iran.

Người biểu tình phản đối vụ tấn công sát hại Tướng Iran Soleimani ở Manila, Philippines. Ảnh: AP

Ngày 2/1, Mỹ đã tiến hành một cuộc không kích của máy bay không người lái sát hại Tướng Iran, Qassem Soleimani tại sân bay quốc tế Baghdad, Iraq. Ngay sau đó, Iran đã thề sẽ trả thù nhằm các mục tiêu Mỹ, và đáp lại, Tổng thống Donald Trump cảnh báo những hành động như vậy sẽ dẫn đến các cuộc tấn công “rất nhanh và rất mạnh” của Mỹ nhằm vào 52 mục tiêu Iran.

Hôm 5/1, Tehran tiếp tục tuyên bố họ sẽ từ bỏ hoàn toàn các cam kết theo Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới, trong đó có phá bỏ ngưỡng giới hạn làm giàu uranium. Động thái này dấy lên những lo ngại về việc Iran tái khởi động nỗ lực tìm kiếm vũ khí hạt nhân.

Trước nguy cơ một làn sóng bạo lực mới ở Trung Đông, nhiều quốc gia châu Á khác cũng có chung lo ngại với Philippines. Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 4/1 phát đi tuyên bố cho biết nước này “quan ngại tình hình leo thang” và kêu gọi các công dân Indonesia tại Iraq “luôn luôn cẩn trọng”. Bộ Ngoại giao Indonesia đề nghị 864 công dân nước này ở Iraq liên hệ với Đại sứ quán ở Baghdad nếu cần hỗ trợ.

Không chỉ đe dọa tới an toàn công dân, căng thẳng Mỹ - Iran còn ảnh hưởng tới Jakarta ở nhiều mặt khác. Giá dầu đã tăng vọt, gây áp lực lên đồng rupiah. Đồng nội tệ Indonesia giảm 0,5% so với USD vào ngày 3/1, chạm mức thấp nhất trong hơn một tuần. Theo Reuters, ngày 6/1, đồng rupiah tiếp tục giảm giá, buộc Ngân hàng trung ương Indonesia phải can thiệp để ổn định thị trường.

Một tàu chở dầu bị đốt cháy trên khu vực Eo biển Hormuz, ngoài khơi Iran năm 2019. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, các quan chức và giám đốc điều hành trong ngành năng lượng của Thái Lan đã tổ chức họp khẩn tại Bangkok ngày 6/1. Bộ trưởng Năng lượng Sonthirat Sontijirawong cho biết, Thái Lan có khoảng 3 tỉ lít dầu thô dự trữ, đủ dùng cho khoảng 50 ngày, và 100.000 tấn khí hóa lỏng, đủ dùng cho 17 ngày.

Ông Pimchanok Vonkorpon, Tổng giám đốc Văn phòng Chính sách và Chiến lược thương mại của Thái Lan, cho biết xuất khẩu tổng thể của Thái Lan sẽ phải đối mặt với những cơn gió mạnh hơn nếu tình hình xấu đi, vì cuộc khủng hoảng sẽ làm gián đoạn các chuyến hàng tới không chỉ Trung Đông mà cả Châu Phi.

Cùng ngày 6/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu với các phóng viên rằng ông "quan ngại sâu sắc" tình hình. Hồi tháng 12/2019, ông Abe đã gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani ở Tokyo, thảo luận về các biện pháp giảm căng thẳng ở Trung Đông.

Nội các của ông cũng chấp thuận triển khai Lực lượng Phòng vệ (SDF) tới khu vực để giám sát hoạt động vận chuyển hàng hóa của Nhật Bản. Bất chấp diễn biến căng thẳng mới, Thủ tướng Abe cho biết ông không có ý định cân nhắc lại về việc triển khai SDF. “Chúng tôi sẽ gửi Lực lượng Phòng vệ và bảo đảm an toàn cho các tàu liên quan đến Nhật Bản”, ông khẳng định.

Một thành viên Vệ binh Cách mạng Iran. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar hôm 5/1 đăng dòng trạng thái trên trang Twitter cho biết ông đã trao đổi qua điện thoại với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về diễn biến mới tại Vùng Vịnh. Do Ấn Độ phụ thuộc lớn vào dầu mỏ Vùng Vịnh, Jaishankar cho biết, ông đã lưu ý những mối quan ngại của Ấn Độ với người đồng cấp Mỹ trong cuộc gọi.

Video biểu tình tại Ấn Độ phản đối vụ giết hại Tướng Iran (Nguồn: AFP):

Về phần mình, Trung Quốc đã thể hiện quan điểm cứng rắn hơn trước sự can thiệp của Mỹ ở Trung Đông. Ngoại trưởng nước này Cảnh Sảng ngày 6/1 chỉ trích Washington đã gây bất ổn định tại khu vực đồng thời kêu gọi các bên tìm kiếm hòa bình và ổn định.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng kêu gọi các bên giữ “những cái đầu nóng”. Ông Erdogan tiết lộ với truyền thông rằng ông đã trao đổi với một số nhà lãnh đạo thế giới sau vụ ám sát, trong đó có Tổng thống Iran Rouhani.

“Tôi đã khuyên ông kiềm chế. Không có giải pháp nào khác”, ông Erdogan cho biết, đồng thời thể hiện sự bất bình: “Trung Đông đã rất mệt mỏi và một số người lúc nào cũng cố hết sức để biến khu vực này thành một cái hồ máu".

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/nhieu-nuoc-chau-a-phong-ngua-kich-ban-xau-san-sang-so-tan-cong-dan-khoi-trung-dong-vi-xung-dot-myiran-20200106175710975.htm