Nhiều nước cấm đánh học sinh

Trung Quốc đã trở thành quốc gia mới nhất ban hành lệnh cấm giáo viên trừng phạt học sinh bởi điều này có thể gây chấn thương tâm lý và thể chất cho các em.

Chưa có bằng chứng cho thấy bạo lực giúp thay đổi hành vi của học sinh. Ảnh: SCMP.

Chưa có bằng chứng cho thấy bạo lực giúp thay đổi hành vi của học sinh. Ảnh: SCMP.

Theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1-3, Bộ Giáo dục Trung Quốc cấm mọi hình thức làm nhục học sinh tại các trường tiểu học và trung học cơ sở, đồng thời siết lệnh cấm hiện hành đối với hành vi trừng phạt thân thể. Những hành vi bị cấm bao gồm đánh bằng roi, bắt học sinh đứng hoặc quỳ trong nhiều giờ và dùng lời lẽ xúc phạm. Những học sinh phạm lỗi nặng như bắt nạt bạn bè có thể bị đình chỉ học tập hoặc phải tham gia lớp học giáo dục. Ðối với những lỗi nhẹ như quên làm bài tập về nhà, các em được khuyến khích viết thư xin lỗi hoặc dọn dẹp lớp học. Tuy nhiên, chưa rõ hình phạt dành cho những thầy cô vi phạm quy định mới.

Lệnh cấm trên ra đời sau khi Trung Quốc xảy ra nhiều vụ tử vong của học sinh liên quan đến các hình thức kỷ luật nghiêm ngặt trong những năm gần đây. Truyền thông thường đưa tin những trường hợp học sinh chết sau khi bị thầy cô đánh hoặc các em tự sát do bị làm nhục công khai tại trường. Như hồi tháng 9-2020 chẳng hạn, Tân Hoa xã cho biết một bé gái 10 tuổi ở tỉnh Tứ Xuyên đã chết sau khi bị giáo viên dạy Toán kéo tai và đánh vào đầu vì làm sai 2 bài toán cộng. Trước đó vài tháng, nữ sinh lớp 5 tại tỉnh Giang Tô đã tự sát sau khi bị giáo viên phê phán bài làm, tát vào mặt và bêu xấu trước lớp.

Không riêng Trung Quốc, Quốc hội Pakistan hồi tuần trước cũng đã thông qua dự luật cấm trừng phạt thân thể đối với trẻ em, động thái được các nhà hoạt động nhân quyền gọi là bước ngoặt mang tính “lịch sử”. Tuy lệnh cấm này chỉ được áp dụng ở thủ đô Islamabad, nhưng các nhà đấu tranh hy vọng phần còn lại của đất nước Nam Á cũng sẽ nối gót.

Luật được thông qua trong bối cảnh nhiều học sinh bị đánh đập tàn nhẫn, thậm chí bị giết. Hồi tháng 1 vừa rồi, một cậu bé 8 tuổi ở tỉnh Punjab đã bị giáo viên đánh chết vì không thuộc bài. Năm ngoái, bé gái cùng tuổi làm nghề giúp việc ở Islamabad cũng bị chủ đánh chết vì để con vẹt cưng của họ bay mất. Những vụ hành hạ trẻ em như thế đã dẫn đến cuộc tranh luận trên toàn quốc về lệnh cấm ở Pakistan, đất nước mà trừng phạt thân thể hiện khá phổ biến.

Trong khi đó, với nỗ lực tìm kiếm lệnh cấm đối với hành vi trừng phạt thân thể học sinh, cuối năm ngoái, nghị sĩ Mỹ Donald McEachin đã trình “Dự luật bảo vệ học sinh của chúng ta tại trường” lên Hạ viện. Theo dự luật, không học sinh nào trở thành mục tiêu trừng phạt thân thể bởi giáo viên hoặc chương trình nhận hỗ trợ tài chính liên bang. Ðề xuất cũng sẽ cho phép “nạn nhân” hoặc phụ huynh của các em thực hiện hành vi tố tụng dân sự. Ở chiều ngược lại, các trường vi phạm quy định sẽ bị mất nguồn tài trợ từ liên bang.

Theo lập luận của ông McEachin, không có bằng chứng cho thấy trừng phạt thân thể là phương pháp hữu hiệu đối với hành vi của học sinh, nhưng hình phạt này vẫn “hợp pháp” trong các trường công lập ở 19 bang và các trường tư tại 48 bang của Mỹ.

Qua khảo sát tại 23 quốc gia châu Phi giai đoạn 2005-2013, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) phát hiện ở những nước như Botswana có đến 92% học sinh từng bị trừng phạt thân thể. Còn ở khu vực Mỹ Latin và vùng Caribe chứng kiến 50% trẻ em bị đánh. Theo UNICEF, trên toàn cầu chỉ vỏn vẹn 9% trẻ nhỏ sống ở những quốc gia được pháp luật bảo vệ khỏi những trận đòn trừng phạt của người lớn.

HẠNH NGUYÊN (Theo CNA)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nhieu-nuoc-cam-danh-hoc-sinh-a130825.html