Nhiều nước bỏ dần thói quen ăn thịt chó

Thói quen ăn thịt chó và hành vi giết chó lấy thịt đang bị phản đối mạnh mẽ ngay cả ở các quốc gia có truyền thống ăn thịt loài động vật gần gũi với con người này.

Người biểu tình giăng biểu ngữ phản đối trước văn phòng đại diện thành phố Ngọc Lâm ở Bắc Kinh. Dòng chữ song ngữ Anh-Trung: “Loại người cặn bã ở Trung Quốc”.

Tháng 6 vừa qua, một tòa án ở Hàn Quốc đã phán quyết rằng giết chó ăn thịt là vi phạm pháp luật, một quyết định được xem là bước ngoặt mà theo các nhà bảo vệ động vật, có thể mở đường cho việc cấm ăn thịt chó tại nước này.

Thịt chó từ lâu là món ăn phổ biến ở Hàn Quốc, với khoảng 1 triệu con chó bị giết thịt mỗi năm. Nhưng mức độ tiêu thụ thịt chó tại quốc gia này đã giảm và chuyện ăn thịt chó là một thứ cấm kỵ đối với các thế hệ trẻ, trong khi các nhà bảo vệ động vật liên tục gây sức ép đối với những người còn lại.

Một tòa án ở thành phố Bucheon, trước đơn kiện của nhóm bảo vệ động vật Care chống lại một chủ một trại nuôi chó thịt, phán quyết rằng nhu cầu thịt chó không phải là lý do hợp pháp để giết chó.

Nhóm Care tố cáo người chủ trại (bị kết án và phải nột phạt 3 triệu won, tương đương 62 triệu đồng) tội giết động vật mà không có lý do chính đáng, vi phạm các quy định về xây dựng và vệ sinh thực phẩm. “Đây là phán quyết đầu tiên của tòa án rằng giết chó lấy thịt là bất hợp pháp và điều này có ý nghĩa rất đáng kể”, Kim Kyung-eun, luật sư của Care nói.

Tiền lệ này mở ra khả năng cấm hoàn toàn việc ăn thịt chó, bà Kim nói với Guardian.

Một nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ cầm quyền ở Hàn Quốc hồi tháng 6 vừa qua đã đề xuất một bộ luật cho phép cấm giết chó lấy thịt. Hiện có 17.000 trang trại chó ở Hàn Quốc và các chủ trại đã kêu gọi chính phủ hợp pháp hóa việc ăn thịt chó và cấp giấy phép giết mổ chó cho họ.
Một cuộc khảo sát thực hiện năm 2017 cho biết 70% người Hàn Quốc không ăn thịt chó, nhưng chỉ 40% cho rằng nên cấm ăn thịt chó.

Tổ chức Care nói họ sẽ tìm tới các trại chó và lò mổ khắp đất nước để thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ để tố cáo chủ của chúng với chính quyền. “Ngành “công nghiệp thịt chó” sẽ phải đối mặt với sức nóng lớn hơn nữa sau phán quyền của tòa Bucheon”, lãnh đạo Care là Park So-youn nói.

Trong lúc đó, cho dù có rất nhiều ý kiến phản đối, lễ hội thịt chó đầy tai tiếng ở Ngọc Lâm, Quảng Tây (Trung Quốc) vẫn diễn ra. SCMP nói trong 10 ngày diễn ra lễ hội, 11.000-15.000 con chó, đôi khi có cả mèo, bị giết thịt.

Trong mắt các nhà bảo vệ động vật, Trung Quốc là một điểm đến tai tiếng với lễ hội thịt chó Ngọc Lâm. Ở nước này, chỉ tính riêng Đại lục, khoảng 10 triệu con chó và 4 triệu con mèo bị giết thịt mỗi năm.

Mặc dù vậy, ngày càng nhiều người Trung Quốc, nhất là giới trẻ, thay đổi thái độ đối với truyền thống ăn thịt chó. Người trẻ Trung Quốc nay nói nhiều về chuyện chăm sóc chó hơn là giết chúng.

Theo một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, số liệu năm 2014 cho thấy 7% gia đình ở Đại lục (30 triệu người) nuôi chó.

Kể từ năm 2017, đã có dấu hiệu cho thấy chính quyền địa phương ở Quảng Tây muốn chấm dứt lễ hội Ngọc Lâm. Đầu tháng 5/2017, các lái buôn chó ở đây được cán bộ “khuyên” ngừng bán thịt chó trong thời gian diễn ra lễ hội (từ xa xưa, người đi hội Ngọc Lâm đã hình thành “truyền thống” ăn thịt chó và quả vải, với niềm tin rằng hai thứ đó giúp xua đi cái nóng của mùa hè, theo kiểu “dĩ độc trị độc”). Và năm đó, các chủ cửa hàng buộc phải đóng cửa, chỉ những người bán thịt chó rong còn “cưỡng lệnh”. Chính quyền Quảng Tây nói lễ hội Ngọc Lâm là một truyền thống của dân địa phương, chính quyền không khuyến khích tập tục này.

Và đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối lễ hội Ngọc Lâm ở Trung Quốc. Những người biểu tình đa số là giới trẻ ở thành phố, được học hành đầy đủ.

Nguyễn Xuân Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/nhieu-nuoc-bo-dan-thoi-quen-an-thit-cho-1326228.tpo