Nhiều nội dung quan trọng tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 11 khóa XII

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XII sẽ gồm nhiều nội dung quan trọng hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021, đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Dù còn khoảng một năm rưỡi nữa mới diễn ra Đại hội nhưng các công tác chuẩn bị đang được tiến hành rất tích cực.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XII khai mạc ngày 7/10 này có thể sẽ đưa ra nhiều nội dung quan trọng để trình Đại hội lần thứ XIII.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XII sẽ khai mạc ngày 7/10 này.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XII sẽ khai mạc ngày 7/10 này.

Từ sau Hội nghị Trung ương 10 đến nay, Thường trực Tiểu ban Văn kiện và Tổ Biên tập đã tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 để trình Tiểu ban.

Việc xây dựng các dự thảo báo cáo, căn cứ vào Đề cương chi tiết đã được Hội nghị Trung ương 10 cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện; căn cứ kết quả nghiên cứu của 34 đoàn khảo sát các vấn đề lý luận và thực tiễn tại các ban, bộ, ngành, địa phương, 5 cuộc tọa đàm khoa học và 36 báo cáo nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan nghiên cứu lý luận, khoa học.

Tại hội nghị lần thứ 10 diễn ra vào tháng 5/2019, Trung ương đã thống nhất cao về tư tưởng chỉ đạo, định hướng hoàn thiện đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện.

Về đánh giá thành tựu, kết quả đã đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Không chỉ đánh giá 5 năm mà phải nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, bám sát các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII đã nêu và đối chiếu với Cương lĩnh 2011. Việc đánh giá phải mang tính tổng kết, xem nhiệm kỳ này dấu ấn nổi bật là gì? tồn tại, hạn chế là gì? cô đọng, sát thực tế, tập trung vào những nét lớn, không theo lối mòn".

Về mục tiêu phát triển đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Mở nhưng phải bám sát Cương lĩnh”; tập trung vào ba đột phá chiến lược: Hạ tầng cơ sở, hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời tiếp tục nghiên cứu thêm.

Về phương pháp lãnh đạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu: "Cần xử lý, giải quyết tốt các mối quan hệ biện chứng giữa các mặt đối lập, ở tầm quốc gia, cũng như của một địa phương, một lĩnh vực…".

Cương lĩnh 2011 đã nêu 8 mối quan hệ cơ bản. Đó là các mỗi quan hệ giữa kiên định mục tiêu và sáng tạo trong sách lược; vấn đề dân tộc và giai cấp; độc lập dân tộc và CNXH; kinh tế thị trường và định hướng XHCN; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, bảo đảm công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; mối quan hệ giữa quy mô và chất lượng phát triển; vấn đề lợi ích quốc gia và hội nhập quốc tế… Vừa qua, chúng ta thành công là vì đã xử lý tốt các mối quan hệ, không cực đoan, không phiến diện…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Kiên định mục tiêu lý tưởng có nguyên tắc, đồng thời phải hết sức sáng tạo, bám sát thực tiễn để đổi mới kịp thời.”

Được biết, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XII lần này cũng sẽ xem xét, góp ý 2 dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - bổ sung, phát triển năm 2011).

Hai dự thảo này đã được Bộ Chính trị, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tổ chức Hội nghị, lấy ý kiến các vị nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước để góp ý. Các vị nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã góp ý kiến về chủ đề và phương châm chỉ đạo của Đại hội XIII; về kết cấu của Báo cáo chính trị; những nội dung các vấn đề lớn của Dự thảo Báo cáo chính trị.

Trong đó, tập trung góp ý về đánh giá thành tựu đạt được trong 5 năm qua; về những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân; về những kinh nghiệm rút ra; góp ý về dự báo bối cảnh quốc tế và trong nước; về quan điểm, mục tiêu tổng quát đến giữa thế kỷ XXI và mục tiêu đến năm 2025, 2030 và 2045; về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; về các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Hai dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 cũng đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng góp ý hồi đầu tháng 9.

Thụy Du

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/nhieu-noi-dung-quan-trong-tai-hoi-nghi-ban-chap-hanh-trung-uong-11-khoa-xii-158981.html