Nhiều nội dung gây bức xúc dư luận chưa được đề cập và giải quyết trong luật Giáo dục (sửa đổi)

Góp ý vào dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cho rằng, dự thảo luật Giáo dục sửa đổi toàn diện nhưng nhiều nội dung gây bức xúc trong dư luận xã hội chưa được đề cập và giải quyết như vấn đề dạy thêm, học thêm, lạm thu ở các trường học, hoặc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia…

Thế nào là ép học sinh học thêm?

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng 15/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về luật Giáo dục (sửa đổi).

Luật Giáo dục (sửa đổi) được đánh giá là dự án luật “khổng lồ” với 10 chương, 121 điều quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục.

Dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt với rất nhiều ý kiến của ĐBQH thảo luận trong phiên họp sáng 15/11.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cho rằng: Đã đến lúc cần thay đổi cách tiếp cận trong việc xây dựng mục tiêu giáo dục cho từng bậc học, cấp học theo hướng gắn với kiến thức cụ thể, đáp ứng yêu cầu của xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị luật Giáo dục (sửa đổi) cần làm rõ thế nào là giáo viên ép học sinh học thêm.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị luật Giáo dục (sửa đổi) cần làm rõ thế nào là giáo viên ép học sinh học thêm.

Theo đó, ông nêu quan điểm, đối với giáo dục mầm non, mục tiêu là phát triển thể chất, kỹ năng, tâm hồn… Đối với bậc tiểu học, THCS mục tiêu là kiến thức cơ bản, rèn luyện đạo đức, phát triển toàn diện và kỹ năng sống. Với giáo dục THPT trở lên, mục tiêu là kiến thức của cấp học, đồng thời có các kiến thức mang tính hướng nghiệp, phù hợp với tiêu chuẩn lao động trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Về chương trình giáo dục, ĐBQH Ngọc Bảo cho rằng, cần phải đổi mới tư duy và phương pháp tiếp cận trong việc xây dựng chương trình giáo dục cụ thể về môn học, thời lượng từng môn học…

Giáo dục THCS trở xuống chương trình giáo dục cần có tính ổn định cao, truyền tải được những kiến thức cơ bản, đáp ứng được mục tiêu của cấp học này.

Chương trình đảm bảo vừa đủ, không quá tải, không chỉ tập trung vào kiến thức mà còn trang bị các kỹ năng sống.

Với học sinh THPT, chương trình giáo dục phải định hướng nghề nghiệp nên cũng cần quy định các kiến thức cơ bản trong từng môn học, kiến thức nào học sinh có thể tự lựa chọn phù hợp với khả năng để định hướng nghề nghiệp sau này.

“Dự thảo luật Giáo dục sửa đổi toàn diện nhưng nhiều nội dung gây bức xúc trong thời gian qua chưa được đề cập và giải quyết như vấn đề dạy thêm, học thêm, vấn đề lạm thu phí ở các trường học, hoặc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia”, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá.

Ông dẫn ví dụ, với vấn đề dạy thêm học thêm quy định tại khoản 4, Điều 71 dự thảo luật, “Nhà giáo không được có hành vi ép học sinh học thêm để thu tiền”.

“Quy định này không giải quyết vấn đề, khó triển khai, khó phân biệt thế nào là ép, thế nào là tự nguyện và sẽ gây cho học sinh quá tải, không đảm bảo học sinh được vui chơi, phát triển toàn diện.

Hơn nữa, việc này còn tạo áp lực về chi phí cho gia đình và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo giờ học chính. Đề nghị quy định rõ trong dự thảo luật về việc không cho phép giáo viên dạy thêm, học thêm ở ngoài trường và hướng dẫn chế tài xử lý khi vi phạm”, ĐBQH đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị, đối với vấn đề lạm thu năm học mới, cần công khai các khoản, hướng dẫn cụ thể khoản nào được phép thu, không được phép thu và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, hơn 3 năm triển khai, những thay đổi trong kỳ thi này đặt ra áp lực không nhỏ đối với giáo viên, phụ huynh và học sinh. Đây là vấn đề rất quan trọng vì là cơ sở cấp văn bằng, chứng nhận cho học sinh hoàn thành 12 năm học tập và xét tuyển đầu vào cho các trường đại học.

"Tôi đề nghị quy định cụ thể về kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tại dự thảo luật", ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo bày tỏ.

Giáo dục còn nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm

Cũng nêu những ý kiến sâu sắc góp ý cho dự thảo luật này, ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) góp ý về công tác đào tạo giáo viên, chuẩn trình độ, chế độ với nhà giáo. Ông khẳng định cần phải đầu tư cho “máy cái” của giáo dục là các trường sư phạm.

“Cần chọn người có phẩm chất, năng lực vào các trường sư phạm. Phải nâng cao vị thế và có chế độ ưu đãi rất cao với nhà giáo, thực hiện hướng chuẩn cho giáo viên, phương thức đào tạo tiến tới giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đều có trình độ đại học”, ĐBQH Thưởng nói.

Theo ông, ở cấp mầm non không nhất thiết phải đào tạo 4 năm mà có thể 2,5 – 3 năm, cần chọn được cô giáo trẻ, có sức khỏe để các cháu tiếp cận học vấn ngay từ thời còn trẻ thơ.

“Tôi cho rằng đào tạo giáo viên là hết sức quan trọng”, ông nói và nhận định, hiện nay chất lượng giáo dục chưa cao, rất chậm đổi mới, nặng về dạy chữ, kiến thức hàn lâm, nhẹ dạy kỹ năng sống, đào tạo làm người, hướng nghiệp.

“Có việc phụ huynh muốn con mình thành con người ta, giỏi toàn diện một cách quá sức dẫn đến tâm lý hoang mang, hoảng sợ. Đây là quan niệm rất sai lầm trong giáo dục, trái với năng lực sở trường của trẻ em”, ĐBQH Thưởng bày tỏ.

Vị ĐBQH đoàn Phú Thọ cũng cho rằng: “Không thể bắt trẻ học để trở thành ông nọ bà kia khi các cháu không thích, không đủ năng lực. Thử hỏi đã có mấy học sinh giỏi quốc gia trở thành nhà văn, nhà thơ lớn?

Và cần hiểu rằng trong một lớp, một trường chỉ có một em trở thành nhà văn, một em trở thành nghệ sĩ, một em là vận động viên chứ không phải là tất cả. Hãy dạy và định hướng để học sinh phát huy năng lực của bản thân một cách hợp lý nhất”.

Dương Thu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/luat-giao-duc-sua-doi-chua-giai-quyet-nhieu-noi-dung-gay-buc-xuc-du-luan-a411022.html