Nhiều nội dung bất cập trong dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư

Nhiều bất cập trong hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; việc kiểm tra, giám sát dự án; lĩnh vực đầu tư; cơ chế chia sẻ rủi ro… đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra trong phiên họp cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), diễn ra chiều 24-3.

Quang cảnh phiên họp.

Về quy định trước khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán được nêu trong dự án Luật PPP, theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, nội dung này chưa có tiền lệ, khó thực thi. Thông thường, việc kiểm toán chỉ được thực hiện sau khi dự án đã hoàn thành hoặc nếu kiểm toán thì sẽ kiểm toán từng phần của dự án.

Chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cơ quan kiểm toán chưa thể đánh giá dự án nếu chỉ thẩm định hồ sơ hợp đồng. Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán trong các hoạt động có sự tham gia của tài chính công, tài sản công.

“Trong một dự án PPP, Nhà nước chỉ tham gia góp vốn 10% nhưng Kiểm toán Nhà nước làm hết thì không hợp lý, việc này phải giao cho đơn vị kiểm toán độc lập”, ông Nguyễn Đức Hải nói.

Dự án luật cũng đưa vào nội dung hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, giám sát của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận xét, đây là điều khó khả thi, bởi dự án PPP là những dự án đầu tư lớn, mang tầm cỡ quốc gia. “Dự án PPP không giống như những công trình cấp xã, thôn, do đó, các tổ chức đoàn thể và nhân dân khó có thể kiểm tra, giám sát”, ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần quy định sao cho phù hợp với tình hình thực tế, bởi quy định như trên có thể phát sinh nhiều thủ tục hành chính.

Nêu quan điểm về cơ chế chia sẻ rủi ro trong dự án PPP, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, trong nền kinh tế thị trường thì doanh nghiệp phải dự đoán được rủi ro khi thực hiện đầu tư. Nếu dự án chỉ giảm doanh thu thôi mà Nhà nước đã phải chia sẻ phần hụt thu là điều không hợp lý.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét việc đầu tư dự án theo hình thức “nửa công, nửa tư” có thực sự ưu việt và quốc tế có còn triển khai hay không; lĩnh vực đầu tư được nêu trong dự án luật quá rộng, do đó cần làm rõ căn cứ nào để lựa chọn lĩnh vực đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị tiếp tục đưa dự án luật ra thảo luận trong kỳ họp Quốc hội sắp tới. Đồng thời, một số lĩnh vực liên quan đến các luật khác cần được báo cáo Bộ Chính trị xem xét.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá, đây là dự án luật khó, phức tạp, rất nhiều vướng mắc phát sinh nên cần thận trọng xem xét.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, dự án luật có nhiều nội dung đặc thù nhưng phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng thời cần tiếp tục được rà soát về lĩnh vực đầu tư; chính sách của Nhà nước, nhất là trong dự án có ngân sách nhà nước tham gia; xem xét các cơ chế ưu đãi, bảo đảm quyền lợi Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; nghiên cứu việc tăng, giảm tổng mức đầu tư; cân nhắc trật tự ưu tiên áp dụng luật; giai đoạn của hoạt động kiểm toán và đưa giám sát cộng đồng vào dự án PPP…

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/962113/nhieu-noi-dung-bat-cap-trong-du-an-luat-dau-tu-theo-phuong-thuc-doi-tac-cong-tu