Nhiễu như tin giả - một 'đại dịch' khác thời Covid-19

Phòng thí nghiệm bí mật, thuốc chữa bệnh thần kỳ, chính phủ che đậy thông tin... những thông tin sai lệch về dịch Covid-19 đang xuất hiện tràn lan trên thế giới, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của các công ty mạng xã hội.

Ảnh minh họa. (Nguồn: SCMP)

Thoạt đầu, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter xuất hiện hàng loạt thông tin cho rằng chủng mới virus corona được “chế tạo” tại một phòng thí nghiệm bí mật ở Vũ Hán, tâm điểm của dịch Covid-19. Theo sau đó là những loại thuốc “thần kỳ”, từ các loại gel, thuốc uống hay bột có thể đánh bay virus SARS-CoV-2 ngay tức khắc.

Sau đó, trên mạng xã hội lại tiếp tục xuất hiện thêm những thông tin như Đài Loan (Trung Quốc) cùng nhiều nước khác đang che đậy những ca tử vong và dịch bệnh đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát; hay Bill Gates, tỷ phú sáng lập Microsoft là chủ mưu đứng sau dịch bệnh; người dân Italy đổ ra đường, phản đối người Trung Quốc vì đã mang dịch bệnh đến đất nước họ… Tất cả những thông tin đều sai sự thật.

Bệnh truyền nhiễm thông tin

Dịch Covid-19 đã và đang lan rộng trên khắp thế giới và thông tin sai lệch về nó cũng lan rộng tương tự. Các ông lớn mạng xã hội như Facebook, Twitter và Google cho biết, họ đã nỗ lực xóa những tin giả về virus corona khỏi nền tảng của mình nhanh nhất có thể và nhấn mạnh việc hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các tổ chức chính phủ khác để đảm bảo mọi người dùng đều nhận được thông tin chính xác.

Tuy nhiên, theo quan sát của New York Times, trên các nền tảng này vẫn còn hàng loạt các bài viết, ảnh và video đưa thông tin sai lệch nhưng vẫn chưa được xử lý. Một trong những nguyên nhân là, hầu hết những bài đăng này không được viết bằng tiếng Anh, mà được viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như tiếng Hindi, Urdu, Hebrew, Farsi… Điều này cũng phản ánh hiện thực đáng sợ của nạn tin giả trên khắp thế giới.

Các nhà nghiên cứu bảo mật thậm chí còn phát hiện ra, tin tặc còn lập ra những trang web tuyên bố có những thông tin tuyệt mật về virus corona. Những kẻ này lợi dụng sự cả tin của người dùng, nhằm đánh cắp các dữ liệu cá nhân hoặc xâm nhập thiết bị khi họ truy cập những trang web “độc” nói trên.

Sự lan truyền của nội dung sai lệch và độc hại về virus corona là một phản ánh đúng về thực tế của việc sử dụng mạng xã hội và cuộc chiến khó khăn của các nhà nghiên cứu và công ty Internet. Ngay cả khi họ quyết tâm bảo vệ sự thật, họ vẫn thường bị người dùng ruồng bỏ, dẫn đến bị đánh lừa bởi những kẻ nói dối và kẻ trộm trên Internet.

Có quá nhiều thông tin không chính xác về virus corona tới mức người dân khó phân biệt đâu là sự thật. WHO đã gọi tình trạng này là “bệnh truyền nhiễm thông tin” (infodemic).

Khó lòng dập tắt

Facebook, YouTube và Twitter đều đang nỗ lực để hướng người dùng trở lại các nguồn thông tin y tế đáng tin cậy và đã thành lập các đường dây liên lạc trực tiếp tới WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Facebook đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn nội dung có thể gây hại cho người dùng, chẳng hạn như tuyên bố không khuyến khích điều trị hoặc thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp chống lại coronavirus. Tất cả những bài đăng, sau khi được kiểm tra kỹ càng, chia sẻ những thuyết âm mưu đều được Facebook ngăn chặn.

Tuy nhiên, biện pháp này không thể ngăn chặn việc người dùng chia sẻ link tin bài không đúng sự thật trong các nhóm bí mật trên Facebook. Một số nhóm như này lên tới hơn 100.000 thành viên, chia sẻ những thuyết âm mưu rằng virus corona là “phát minh” của ngành dược, nhằm bán công khai các loại thuốc và vaccine đắt tiền hơn ra thị trường.

Austin Chiang, bác sĩ tiêu hóa tại Bệnh viện Đại học Jefferson (Philidelphia, Mỹ), gần đây đã giúp thành lập Hiệp hội truyền thông xã hội chăm sóc sức khỏe, nhằm khuyến khích các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đăng các bài viết khoa học lên mạng xã hội. Ông cho biết mình đang cố gắng giảm sự lo lắng của người dùng mạng xã hội, do những thông tin sai lệch chỉ khiến họ trở nên ngày một sợ hãi.

Công ty an ninh mạng Check Point cho biết, trong số hơn 4.000 trang web liên quan đến virus corona và sử dụng các từ khóa như “corona” và “covid” mà công ty này theo dõi, 3% được coi là mang lại thông tin độc hại và 5% khác được cho là đáng ngờ.

WHO vào tháng Hai cũng đưa ra cảnh báo về những email giả, giả mạo đại diện WHO gửi đến một số người dân. Những email này đều mang các mã độc, gây nguy hiểm đến thông tin của người dùng.

Nhưng đối với Giáo sư Carl Bergstrom và Jevin West, hai đồng tác giả một cuốn sách về tin giả sắp được phát hành, những biện pháp nói trên chẳng có tác dụng gì đáng kể, lý do là cơ cấu của các mạng xã hội vẫn tạo điều kiện dễ dàng cho sự lan truyền của những tin “giật gân” hoặc sai lệch. Các học giả khác ở Mỹ thì cho rằng những nỗ lực thẩm tra thông tin có thể chẳng có tác dụng gì, thậm chí còn phản tác dụng.

Trước tình hình khó lường của dịch Covid-19, người dân trên toàn thế giới vẫn đang lo lắng chưa biết đến khi nào mới dập tắt được, nhưng rõ ràng là không dễ gì dẹp được “đại dịch” tin giả trên mạng.

(theo New York Times)

Anh Quang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhieu-nhu-tin-gia-mot-dai-dich-khac-thoi-covid-19-111332.html