Nhiều nhãn mác lúa giống bị làm giả để trục lợi

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào vụ lúa hè thu năm 2018 với diện tích khoảng 1,65 triệu héc-ta. Bên cạnh việc chuẩn bị như làm đất, chuẩn bị hệ thống tưới tiêu, phân bón thì giống lúa luôn được bà con nông dân quan tâm.

Tuy nhiên, các loại lúa giống hiện nay không có giấy xác nhận, chất lượng thấp ngày càng được kinh doanh dưới nhiều nhãn mác, khiến người dân lo lắng.

Ngày 6-3 vừa qua, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Cần Thơ phối hợp với các ban, ngành của huyện Cờ Đỏ tiến hành kiểm tra Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Thiện Phát, trụ sở tại ấp Thạnh Quới 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ và lò sấy lúa Ngô Hữu Phát thuộc công ty này đặt tại khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An, quận Thốt Nốt. Qua kiểm tra phát hiện cơ sở đang sơ chế bán lúa giống giả của nhiều thương hiệu; đồng thời cũng không có giấy phép bán lúa giống. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này có hành vi sản xuất lúa giống giả nhãn mác các loại như: Đài Thơm 8, OM 5451, Nàng Hoa 9 và RVT-ST. Lực lượng chức năng đã thu 58,25 tấn lúa giống mang các nhãn hiệu trên. Lực lượng công an còn phát hiện và thu giữ hơn 9.000 bao bì in đầy đủ nhãn mác của các công ty sản xuất lúa giống trong nước. Ngoài ra, còn 800 tấn lúa nguyên liệu đang chờ đóng gói của các hãng sản xuất lúa giống khác.

Ông Ngô Hữu Phát, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Thiện Phát làm việc với cơ quan điều tra. Ảnh do Công an Cần Thơ cung cấp.

Tại buổi làm việc, ông Ngô Hữu Phát, chủ doanh nghiệp thừa nhận ông mua lúa ở ngoài thị trường với giá 6.000-6.500 đồng/kg, sau đó sơ chế, đóng bao bì mang các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường để bán cho nông dân với giá từ 13.000-15.000 đồng/kg để thu lợi.

Đây không phải lần đầu các cơ quan chức năng phát hiện một cơ sở sản xuất các loại lúa giống mang nhãn mác của các giống lúa đang được bà con ưa chuộng để bán ra thị trường. Trao đổi với chúng tôi về thực trạng chất lượng lúa giống hiện nay, TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL lý giải: "ĐBSCL có khoảng gần 1,7 triệu héc-ta đất trồng lúa, một năm sản xuất từ 1 đến 3 vụ lúa nên cần khoảng hơn 400.000 tấn lúa giống. Tuy nhiên, hiện các cơ sở sản xuất lúa giống chỉ đảm bảo được 50%, số còn lại người dân đành mua trôi nổi hoặc tự sản xuất lúa giống để gieo sạ. Do cung không đáp ứng đủ cầu, nên một số doanh nghiệp lợi dụng tình trạng thiếu lúa giống để làm giả các nhãn mác nhằm trục lợi".

Ngoài những cơ sở không có giấy phép thì một vài cơ sở có giấy phép nhưng năng lực hạn chế, sản xuất số lượng ít nhưng lại đưa ra thị trường số lượng giống lúa nhiều gấp đôi để bán kiếm lời. Ông Ngô Đình Thức, Phó giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang, cho biết: "Mánh khóe của các doanh nghiệp sản xuất ít, bán ra nhiều là do nhu cầu quá lớn của thị trường. Khi các cơ quan chức năng kiểm tra, họ đưa ra giấy phép được cấp sản xuất lúa giống để qua mặt ngành chức năng. Đây cũng là kẽ hở để các cơ sở này lợi dụng. Việc kiểm tra giống kém chất lượng cũng gặp khó khăn do lực lượng mỏng, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ. Pháp lệnh Giống cây trồng chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương về vấn đề này…".

Để tìm ra biện pháp khắc phục tình trạng trên, theo TS Trần Ngọc Thạch, thì hiện nay Viện lúa ĐBSCL đang có rất nhiều giống lúa chất lượng cao, bảo đảm thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở từng địa phương vùng ĐBSCL. Để hạn chế tình trạng giống lúa chất lượng thấp như hiện nay, các tỉnh cần chỉ đạo ngành nông nghiệp, nhất là trung tâm giống của các địa phương phối hợp chặt chẽ với viện để nhân giống cung cấp ra thị trường. Có như vậy tình trạng lúa giống chất lượng thấp trên thị trường mới giảm, bà con nông dân yên tâm sản xuất cũng như bảo đảm chất lượng gạo cung cấp ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

NGUYỆT HƯỜNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/nhieu-nhan-mac-lua-giong-bi-lam-gia-de-truc-loi-533681