Nhiều nhà khoa học quốc tế họp bàn về khoa học xã hội

Ngày 4/10, tại TPHCM đã diễn ra phiên khai mạc Hội thảo quốc tế: Những kết quả nghiên cứu mới trong khoa học xã hội và nhân văn- 2019' (ISSH-2019) do Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) phối hợp với ĐH Trieste (Italia), ĐH Leipzig (Đức), ĐH Warwick (Vương quốc Anh), ĐH Quốc gia Giao thông (National Chiao Tung Universit, Đài Loan) và ĐH Purdue (Mỹ) đồng tổ chức.

Các đại biểu trong nước và quốc tế tại phiên khai mạc hội thảo ngày 4/10

Các đại biểu trong nước và quốc tế tại phiên khai mạc hội thảo ngày 4/10

TS Trần Trọng Đạo – Phó Hiệu trưởng TDTU phát biểu khai mạc hội thảo

Theo TS Trần Trọng Đạo – Phó Hiệu trưởng TDTU, có 39 công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới về các chủ đề nóng, chủ đề đang được quan tâm của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được trình bày tại Hội thảo.

Các báo cáo này được in trong Kỷ yếu Hội thảo ISSH-2019 do TDTU phát hành. Những bài nổi bật sẽ được bình duyệt và đăng trong số đặc biệt (Special Issue) của Tạp chí Inter-Asia Cultural Studies (IACS) thuộc danh mục ISI.

Một điểm nhấn tại hội thảo ISSH-2019 là có sự đa dạng về thành phần tham dự và chủ đề nghiên cứu, các bàn luận học thuật tại ISSH-2019 góp phần làm sáng tỏ lý do tại sao cần phải có các phương pháp nghiên cứu mới, liên ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Ngoài các học giả đến từ Hoa Kỳ, châu Âu, Úc, hội thảo ISSH-2019 còn có sự tham dự của một số đại biểu đến từ các nước châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Đài Loan, Philippines và Việt Nam.

GS Joyce Liu (ĐH Quốc gia giao thông, Đài Loan) phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh đó, hội thảo gây sự chú ý với báo cáo đề dẫn của Giáo sư Joyce Liu, ĐH Quốc gia giao thông (Đài Loan) về những phương pháp nghiên cứu mới áp dụng cho lĩnh vực khoa học xã hội liên quan đến nhiều quốc gia châu Á. Báo cáo đề xuất một cách tiếp cận trong nghiên cứu văn hóa và hứa hẹn mở ra các cơ hội cho hợp tác và tranh luận học thuật xuyên biên giới. Báo cáo của Giáo sư Stephen Muecke đến từ ĐH Adelaide (Úc) trình bày quan điểm chính về cảnh quan văn hóa và cách diễn giải quan hệ văn hóa giữa người định cư và người dân bản địa tại Úc.

Ngoài ra, các vấn đề giáo dục, di cư, dân số, đói nghèo, giai cấp trung lưu, du lịch,… được xem xét từ nhiều góc nhìn khác nhau được các đại biểu trình bày và thảo luận tại Hội thảo.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 4 -5/10 tại TDTU.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nhieu-nha-khoa-hoc-quoc-te-hop-ban-ve-khoa-hoc-xa-hoi-4037832-v.html