Nhiều nguyên nhân dẫn tới Hà Nội gia tăng nguy cơ lây lan dịch sởi

Thông tin tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 14/8, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết dịch sởi đang bùng phát mạnh, nếu không kiểm soát tốt, có thể bùng phát dịch vào cuối năm 2018.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến dịch sởi có thể bùng phát dịp cuối năm.

Tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 315 trường hợp mắc sởi, rải rác tại 183 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã.

Các quận, huyện có số mắc cao là: Hoàng Mai (31), Nam Từ Liêm (27), Bắc Từ Liêm (24), Đống Đa (23), Hà Đông (22)...; Hầu hết các trường hợp mắc sởi đã khỏi, hiện chỉ còn 28 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết: đa số đối tượng mắc là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi theo quy định. Tuy nhiên, dự báo dịch sởi có thể tiếp tục gia tăng tại Hà Nội trong các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019 vì các lý do sau: Dịch sởi tại Hà Nội nằm trong bối cảnh chung của tình hình dịch sởi trên thế giới và tại Việt Nam; tình hình dịch đang có xu hướng gia tăng mặc dù thời tiết mùa hè; năm 2018-2019 bắt đầu bước vào chu kỳ dịch sởi sau 4 năm (tại Hà Nội dịch bệnh sởi xuất hiện và bùng phát vào năm 2014).

Bên cạnh đó, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi của Hà Nội luôn đạt cao so với tỷ lệ chung của quốc gia (từ 95% - 97%), nhưng hàng năm vẫn còn khoảng 3%-5% trẻ không được tiêm vắc xin sởi, là đối tượng dễ mắc bệnh sởi.

Ngoài ra hiện nay còn một số bậc phụ huynh không cho con đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin theo quy định (do trẻ hay bị ốm hoặc do gia đình lo ngại các phản ứng không mong muốn có thể gặp phải sau khi tiêm vắc xin) vì vậy hàng năm sẽ tích lũy một lượng lớn trẻ em không có miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi và dễ bị mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh.

Theo quy định, vắc xin sởi tiêm cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi trở lên do vậy những trẻ dưới 9 tháng là các đối tượng có nguy cơ bị mắc dịch bệnh này.

Chưa kể hàng năm, số trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động các tỉnh, thành phố đến Hà Nội sinh sống, học tập, làm việc chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi sẽ thuận lợi cho vi rút sởi lây lan và gây dịch.

Trước nguy cơ dịch sởi gia tăng, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, ngành Y tế Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đoàn thể và UBND các quận, huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tổ chức cách ly kịch thời người mắc bệnh;

Thực hiện tốt hoạt động tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo ít nhất 95% trẻ dưới 2 tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi ở quy mô xã, phường, thị trấn; Tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi;

Phối hợp với ngành giáo dục tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh sởi khi trẻ nhập học vào mẫu giáo và lớp 1. Đảm bảo trẻ 6 tuổi (khi nhập học lớp 1) đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi theo quy định.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/vi-sao-ha-noi-gia-tang-nguy-co-lay-lan-dich-soi.aspx