'Nhiều nguồn vốn ODA vay về gần như là để có dự án, để tiêu tiền, thực sự không thấy hiệu quả'

Đây là phát biểu của ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội trong buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng 12/8.

Trong khi nguồn vốn ODA vay ưu đãi nước ngoài đang thu hẹp dần thì hiện nay rất nhiều địa phương xin trả lại nguồn vốn này do giải ngân quá chậm.

Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2016-2020, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài mới đạt 62,8% tổng mức Quốc hội giao, đạt 69,9% kế hoạch Thủ tướng giao. Tại nhiều dự án, tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch, chưa có phương án đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, làm phát sinh lãi vay, không sử dụng hết phải hủy hoặc chuyển kế hoạch vốn. Trung tâm hội nghị Hàm Rồng đầu tư 160 tỉ đồng từ nguồn vốn này tại tỉnh Thanh Hóa mà THQHVN từng phản ánh là một ví dụ điển hình.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Quả thật vốn ODA là một giai đoạn chúng ta quản lý quá là kém hiệu quả. Nhiều nguồn vốn ODA vay về sử dụng gần như là để có dự án và để tiêu tiền, thực sự không thấy hiệu quả như thế nào và hậu quả rất nghiêm trọng. Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng là một trong những điển hình của việc sử dụng vốn ODA vay xong rồi về đầu tư hoành tráng cuối cùng giờ nhìn hoang tàn, không dùng được một cái gì cả. Và cũng không phải ít các dự án vốn ODA như thế.”

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Báo cáo 2931 về thực hiện Nghị quyết 41 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo, có trên 20 nghìn tỷ đồng vốn ODA của các cơ quan trả lại. Cái này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dự án và hiệu quả sử dụng vốn vay, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn ODA vay ưu đãi nước ngoài đang thu hẹp dần, cái này cũng phải đánh giá rằng chúng ta có tiền nhưng không sử dụng được.”

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư rà soát đến các dự án ODA, nhất là các dự án có tính chất hỗ trợ kỹ thuật.

Ông DOÃN ANH THƠ, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước: “Các dự án ODA có tính chất hỗ trợ kỹ thuật, có thể tổng mức đầu tư vay lớn nhưng mà chi phí đầu tư thực hiện, chi phí chuyên gia khoảng 70, 80%, mỗi chuyên gia 2-3 chục nghìn đô một tháng, dự án kéo dài vài năm, chi phí chuyên gia ngốn hết. Những dự án như thế cần đánh giá lại.”

Việc giải ngân chậm hoặc không sử dụng hiệu quả nguồn vốn dẫn đến chậm trễ trong thực hiện các mục tiêu phát triển, không chỉ làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng tới thực hiện dự án, mà có thể dẫn tới tranh chấp hợp đồng với các nhà thầu, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các nhà tài trợ.

Thực hiện : Thanh Nga Trương Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhieu-nguon-von-oda-vay-ve-gan-nhu-la-de-co-du-an-de-tieu-tien-thuc-su-khong-thay-hieu-qua