'Nhiều người từng tố cáo tham nhũng gửi đơn kêu cứu'

Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đã thông tin như thế tại Hội thảo Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi diễn ra tại Đà Nẵng vào sáng 20-3.

Đề cập đến các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng, PGS-TS Vũ Công Giao (khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Về cơ bản các quy định pháp luật hiện hành của nước ta đã hình thành nên cơ chế bảo vệ người tố cáo. Điều này thể hiện ở việc đã trả lời được các câu hỏi như: Ai được bảo vệ? Bảo vệ trước/khỏi điều gì? Ai là người bảo vệ? Bảo vệ như thế nào?

Các đại biểu thảo luận về việc cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Ảnh: TÂM AN

Về hình thức, các quy định về vấn đề này được nêu tại Luật Tố cáo và Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong đó Luật Tố cáo quy định về bảo vệ người tố áo hành chính, còn Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại” - ông Giao cho hay.

Theo ông Giao, trong thời gian qua, tình hình tố cáo của công dân ngày càng tăng, nhiều vụ tham nhũng lớn được phát hiện qua nguồn tin người tố cáo và báo chí. Tuy nhiên, sau khi góp phần giúp Nhà nước thu lại những khoản tài chính bị thất thoát, những sai phạm bị xử lý, nhiều người tố cáo phải gánh chịu nhiều hậu quả, thiệt hại. Nhà nước không thể không đứng ra bảo vệ an toàn cho họ.

Ông Giao cho biết có nhiều phương thức để bảo vệ người tố cáo nhưng hiệu quả nhất vẫn là bảo vệ bằng pháp luật. Nhà nước phải ban hành các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh, hợp pháp hóa quyền được bảo vệ của người tố cáo và trách nhiệm, nghĩa vụ phải bảo vệ người tố cáo của cơ quan, cá nhân trong cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng pháp luật cần phải có những quy định chặt chẽ, cụ thể, khả thi về vấn đề bảo vệ người tố cáo . Ảnh: TÂM AN

“Người tố cáo cũng có thể phải chịu trách nhiệm nếu tiết lộ những thông tin thuộc phạm vi bí mật cơ quan, bí mật Nhà nước dù hành vi bị tố cáo, bị tiết lộ rõ ràng là phạm pháp. Hoặc người tố cáo có thể bị kiện ngược do nội dung tố cáo của mình không được kết luận là có căn cứ hay bị người khác cố tình gán ghép, quy chụp nhằm hãm hại họ. Đây cũng chính là những lý do khiến người tố cáo không dám đứng lên tố cáo” - ông Giao nói.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền cũng cho rằng việc bảo vệ người tố cáo là vấn đề phức tạp, nan giải ở các nước chứ không riêng Việt Nam.

“Thực tế thì 10 năm qua chúng ta đã có những bài học sâu sắc về vấn đề này. Chúng ta phải tính toán xây dựng, hoàn thiện những quy định pháp luật theo hướng chặt chẽ, cụ thể để bảo vệ được người tố cáo. Chứ tôi chỉ lấy ví dụ đơn giản là có mỗi việc giữ bí mật danh tính mà giao nhiệm vụ bảo vệ người tố cáo cho đến năm, bảy cơ quan như thế thì biết cơ quan nào làm lộ?” - ông Quyền đặt vấn đề.

Theo ông Quyền, pháp luật cần phải có những quy định chặt chẽ, cụ thể, khả thi về vấn đề bảo vệ người tố cáo thì mới kỳ vọng người dân, cán bộ công chức tham gia vào cuộc chiến chống tham nhũng.

“Tuy nhiên, cần phải khẳng định việc phát hiện tham nhũng, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về các thiết chế Nhà nước chứ đừng quá kỳ vọng vào người dân. Các thiết chế của Nhà nước, các anh ăn tiền thuế của dân, ăn lương của dân thì anh phải làm được trách nhiệm đó, đừng trông chờ vào người dân” - ông Quyền nhấn mạnh.

Ông Quyền cũng cho biết Ủy ban Tư pháp nhận được không ít đơn kêu cứu của những người từng tố cáo tham nhũng. Có người bị trù dập, mất việc. Thậm chí "Có chỉ đạo ngầm nhằm "tiêu diệt" luôn người tố cáo" - ông Quyền bức xúc.

TÂM AN

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/nhieu-nguoi-tung-to-cao-tham-nhung-gui-don-keu-cuu-760603.html