Nhiều người tìm cách 'tháo chạy' khỏi Thượng Hải

Theo nhiều số liệu thống kê, các từ khóa tìm kiếm cách di cư tăng đột biến khi Trung Quốc thắt chặt biện pháp chống dịch, khiến cho nhiều người dân lâm vào cảnh khó khăn, bức bối.

Từ bỏ cơ hội nhập quốc tịch Mỹ, Coco Yu chuyển về quê hương ở Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Mười lăm năm sau, nữ nhà văn Thượng Hải bắt đầu hối hận về quyết định đó, khi cô phải đối mặt với cảnh phải ở nhà trong chiến dịch "Zero Covid-19" nghiêm ngặt khiến hàng triệu người dân phẫn nộ.

 Những ngón tay của một đứa trẻ bám vào rào chắn tại khu vực phong tỏa ở Thượng Hải. Thành phố 25 triệu dân này đã phong tỏa kể từ cuối tháng 3 sau khi bùng phát một đợt dịch mới. Ảnh: Reuters.

Những ngón tay của một đứa trẻ bám vào rào chắn tại khu vực phong tỏa ở Thượng Hải. Thành phố 25 triệu dân này đã phong tỏa kể từ cuối tháng 3 sau khi bùng phát một đợt dịch mới. Ảnh: Reuters.

Xu hướng di cư ra nước ngoài

Ngày càng nhiều người Trung Quốc như Yu có ý định chuyển ra nước ngoài, khi các biện pháp chống dịch hà khắc ở nước này làm tăng nỗi lo sợ trong dân chúng.

Cô Yu nói với Nikkei Asia: "Không ai muốn Thượng Hải phải trải qua tình cảnh tương tự các thành phố khác trong hai năm chống dịch vừa qua. Hiện tại, mọi diễn biến ở Thượng Hải đều nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi. Tôi đã mất niềm tin. Trung Quốc có thể trở lại tình trạng của 50 năm về trước bất cứ lúc nào".

Giống như 25 triệu người dân Thượng Hải, Yu đã buộc phải ở nhà kể từ cuối tháng 3 và phải xoay xở mua thực phẩm khi các hoạt động kinh doanh ở trung tâm tài chính của Trung Quốc bị đình trệ.

Cô cũng lo sợ rằng giới chức trách có thể vào nhà mình và số phận ba con mèo của cô sẽ rất bấp bênh. Đã xảy ra những trường hợp thú cưng của người dương tính hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh, bị xử lý một cách tàn nhẫn.

Thành phố này đã chứng kiến những ca tử vong không phải do Covid-19 tăng vọt, vì dịch vụ cấp cứu của bệnh viện không thể tiếp cận được, khi giới chức trách lắp đặt hàng rào trong các khu dân cư để ngăn người dân ra khỏi nhà.

Vì vậy, Yu bắt đầu tìm hiểu cách để ra nước ngoài từ những người bạn đi trước. Cô tham gia một nhóm trên WeChat, tập hợp khoảng 100 người cùng chí hướng, hầu hết ở Thượng Hải, tìm đường thoát thân.

Xu hướng này đang diễn ra trên các mạng xã hội, với từ khóa "di cư" được tìm kiếm nhiều hơn bao giờ hết, kể từ khi Trung Quốc thắt chặt các biện pháp "Zero Covid-19". Các bài đăng liên quan đến việc di cư trên WeChat đã tăng khoảng 440%, đạt mức cao nhất là 72 triệu bài vào ngày 15/4.

Trên Weibo ngập tràn các chủ đề tìm kiếm liên quan đến di cư.

Các từ khóa liên quan đến việc di cư trên Weibo trở nên thịnh hành. Đồ họa: Nikkei Asia.

Đi càng sớm càng tốt

Joni Xiu, một chuyên viên tư vấn công nghệ sống ở Hàng Châu gần Thượng Hải, đã suy nghĩ về điều này từ năm 2018. Gần đây, anh đã có một khoản thanh toán bắt buộc để di cư đến Hy Lạp, sau khi ba anh nói rằng ông cũng muốn rời khỏi Trung Quốc.

“Tôi đã rất sốc khi ba cũng muốn di cư. Ông là kiểu doanh nhân đã được hưởng lợi từ hệ thống hiện tại của Trung Quốc và chắc chắn không phải là người sẵn sàng di cư đến một đất nước khác", Xiu chia sẻ.

Xiu cho biết, Hy Lạp là một phương án dự phòng lý tưởng vì anh có thể được cư trú ngay lập tức nếu đầu tư khoảng 266.840 USD vào một ngôi nhà ở đó, nhưng vẫn có thể sống và làm việc ở Trung Quốc.

Xiu nói rằng ở Thượng Hải lúc này, ngay cả những người giàu cũng đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.

Anh nói thêm: “Người dân Thượng Hải đã dần mất lòng tin. Thượng Hải là thành phố quốc tế trước giãn cách, còn bây giờ hoàn toàn bị bó hẹp".

Đây không phải là lần đầu tiên người dân xem xét việc di cư ra nước ngoài.

Bốn năm trước, Mỹ đứng đầu bảng trong danh sách tìm kiếm di cư, nhưng giờ đây Canada đã vượt lên dẫn đầu trong bảng xếp hạng từ khóa, khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng.

Giám đốc điều hành một trường mẫu giáo ở Quảng Châu, Himent He bắt đầu nghĩ đến việc ra nước ngoài. Cô ấy đã có một số hành động cụ thể bên cạnh việc chuyển tiền vào một tài khoản ngân hàng nước ngoài. Giờ đây, cô đang xem xét nên bắt đầu ở Mỹ hay khởi nghiệp tại Nhật Bản.

"Tôi rất sợ hãi trước tương lai vô định này. Không chỉ việc giới chức trách làm việc ngẫu hứng mà còn cả nền kinh tế đi xuống, nghĩa là tôi phải rời đi càng sớm càng tốt", cô nói.

Số liệu di cư của người Trung Quốc đến Mỹ, Canada, Australia và Nhật Bản. Đồ họa: Nikkei Asia.

Phản ứng tức thời

Một số cơ quan di trú cho biết rằng họ nhận được lượng yêu cầu tăng vọt sau khi Thượng Hải đóng cửa thành phố. Nhưng hầu hết đều là phản ứng tức thời với tình huống và hơn 90% trường hợp không đáp ứng các yêu cầu để di cư hoặc thiếu các khoản tiền cần thiết.

Leo Wang, người đứng đầu các cơ quan di cư ở cả Thâm Quyến và Thượng Hải, cho biết các yêu cầu di cư đã tăng khoảng 50% sau khi Vũ Hán, nơi Covid-19 lần đầu tiên được phát hiện, áp dụng lệnh giãn cách xã hội. Tuy nhiên, không có kế hoạch nào thành hiện thực.

"Lượng yêu cầu giảm xuống khi Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh vào năm 2020. Rất nhiều người Trung Quốc sống ở nước ngoài đã cố gắng để trở về quê hương", Wang nói.

Trong khi các yêu cầu tăng gấp ba lần giữa thời điểm Thượng Hải đóng cửa, chỉ có khoảng 10% là có kế hoạch nghiêm túc", ông nói thêm.

Bảo Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-nguoi-tim-cach-thao-chay-khoi-thuong-hai-post1313134.html