Nhiều người 'sập bẫy' lừa đảo, mất hàng tỷ đồng

Thời gian gần đây, tại các địa phương trong tỉnh lại rộ lên tình trạng đối tượng lạ giả danh cơ quan pháp luật, nhà mạng, làm quen để gọi điện thoại cho người dân nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mặc dù phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng không mới, nhưng nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin làm theo và mất tài sản.

Khi nhận cuộc điện thoại từ người lạ xưng danh “cán bộ” Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… để yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản, người dân cần cảnh giác không nghe và làm theo. (Ảnh minh họa).

Khi nhận cuộc điện thoại từ người lạ xưng danh “cán bộ” Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… để yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản, người dân cần cảnh giác không nghe và làm theo. (Ảnh minh họa).

MẤT TIỀN TỶ VÌ TIN NGƯỜI LẠ

Bằng cách dàn dựng chuyện liên quan tới vụ án hình sự, nhiều người đã làm theo chỉ dẫn qua điện thoại của “cán bộ” Tòa án, VKS, Công an… và bị mất gần cả tỷ đồng. Cụ thể, ngày 4/10, chị N.T.H. (SN 1979, trú tại TP.Bà Rịa) nhận được các cuộc điện thoại của một nhóm đối tượng tự xưng là “cán bộ” công tác tại TAND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và “cán bộ” của Cục Cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an. Các đối tượng thông báo, chị H. có liên quan đến tội phạm ma túy và rửa tiền, nên phải chuyển 1,3 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của chị. Đồng thời, cung cấp số tài khoản và mã OTP (mật khẩu tài khoản) để chúng kiểm tra. Sau đó, các đối tượng này đã chuyển 800 triệu đồng từ tài khoản của chị H. qua nhiều tài khoản khác nhau của chúng. Khi biết bị lừa mất tiền, chị H. liền đến cơ quan công an trình báo.

Tương tự, ngày 8/5, ông N.V.Đ. (trú tại phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) đang ở nhà thì nhận được cuộc gọi từ tổng đài thông báo có bưu phẩm tại sao không đến nhận. Ông Đ. hỏi bưu phẩm gì thì đầu dây bên kia nói có giấy triệu tập của Công an TP.Hà Nội và yêu cầu bấm số 9 để nói chuyện với “cán bộ” Công an. Sau khi làm theo yêu cầu, người đầu dây bên kia nói ông Đ. có liên quan đến đường dây đánh bạc qua mạng đang bị điều tra. Nếu không phạm tội, ông Đ. phải cung cấp tài khoản ngân hàng và mã OTP để chúng kiểm tra. Để chứng minh bản thân trong sạch, ông Đ. đã làm theo lời của các đối tượng. Vậy là số tiền trong tài khoản của ông Đ. bị các đối tượng chuyển qua nhiều tài khoản để lấy cắp số tiền gần 1 tỷ đồng.

Bà N.T.K.N. (ngụ TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức) bị lừa đảo qua tin nhắn điện thoại mất số tiền hơn 99 triệu đồng trong tài khoản của mình tại Ngân hàng Sacombank.

Với “chiêu” gửi quà cấm, muốn nhận quà phải chuyển tiền để “lo liệu”, có người mất số tiền khá lớn. Điển hình như trường hợp của chị N.T.T.H. (ngụ phường 10, TP.Vũng Tàu). Ngày 1/10, chị H. nhận được cuộc điện thoại từ một người bạn mới quen qua facebook, từ nước ngoài gọi về báo tin vừa gửi tặng chị một thùng quà “rất có giá trị”. Đến ngày 3/10, chị H. được một phụ nữ người Việt Nam gọi điện thông báo món quà người bạn gửi từ nước ngoài đã về tới Việt Nam. Tuy nhiên, do Hải quan phát hiện trong thùng quà có rất nhiều tiền USD, trị giá lên đến mấy tỷ đồng. Muốn nhận được thùng quà này, phải chuyển tiền vào tài khoản số 109870233344 và tài khoản số 13810000195927 do Tô Thị Mỹ Tiên và Nguyễn Quang San làm chủ tài khoản để nhờ “lo liệu”, đóng thuế giúp. Tin lời ngon ngọt, chị H. đã 3 lần gửi vào 2 tài khoản trên của “người không quen biết” với tổng số tiền 696,5 triệu đồng. Nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thùng quà và không liên lạc được với các đối tượng trên. Biết bị lừa, chị H. đến cơ quan Công an trình báo thì đã quá muộn.

Mất nhân tính hơn, các đối tượng xấu còn lừa đảo cả người nghèo khổ, bị tai nạn đang cần được giúp đỡ. Sáng ngày 2/10, bà N.T.K.N. (ngụ TT.Ngãi Giao, huyện Châu Đức) nhận được cuộc gọi của một người đàn ông lạ xưng là “cán bộ” Ngân hàng Sacombank, sẽ chuyển khoản một số tiền hỗ trợ cho con bà là em N.Đ.K (SN 2003) chi phí điều trị gãy chân do bị tai nạn giao thông trên đường đi học về. Người đàn ông này căn dặn, nếu có tin nhắn gửi vào số điện thoại của bà thì phải đọc thông tin gồm 6 số cuối của tin nhắn. Chỉ mấy phút sau, có tin nhắn gửi đến điện thoại bà K.N. với nội dung: Ủng hộ em K. Quý khách sẽ mất tiền và thông tin nếu cung cấp Mã xác thực giao dịch (OTP) cho bất kỳ ai. Mã OTP (hết hạn sau 2 phút) của quý khách là… “Sau khi nhận tin nhắn, tôi gọi điện thoại cho người lạ và đọc 6 số cuối như hướng dẫn. Qua 4 lần nhận tin nhắn, tôi đều báo lại cho người lạ. Đến trưa, tôi phát hiện mất hơn 99 triệu đồng trong tài khoản. Trước đó, số dư trong tài khoản ngân hàng của tôi do các nhà hảo tâm chuyển khoản hỗ trợ cháu K. tổng cộng hơn 106 triệu đồng”, bà K.N buồn rầu cho hay.

NÂNG CAO CẢNH GIÁC

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Linh, Phó Đội trưởng Đội điều tra án về xâm phạm sở hữu - Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, một số đối tượng đã bị Công an tỉnh BR-VT phối hợp với các địa phương bắt giữ, truy tố, xét xử về hành vi lừa đảo qua điện thoại. Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ điều tra của Công an các tỉnh, viện kiểm sát, tòa án thông báo cho người bị hại biết có liên quan đến đường dây tội phạm, vụ án ma túy, rửa tiền, đánh bạc trên mạng… Sau đó, yêu cầu người bị hại muốn chứng minh sự trong sạch, phải nhanh chóng chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản, sổ tiết kiệm của mình vào tài khoản do chúng cung cấp để kiểm tra. “Các đối tượng thường gọi điện thoại cho nạn nhân vào buổi trưa, khi con người cảm thấy mệt mỏi không còn tỉnh táo; hay khoảng 3-4 giờ chiều khi ngân hàng sắp đóng cửa nghỉ, nên khi đã chuyển tiền nếu có nghi ngờ thì không đủ thời gian để ngăn chặn”, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Linh cho hay.

Ngày 28/10, Văn phòng Chính phủ có Thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong kinh doanh đa cấp, chuyển nhượng đất đai. Đặc biệt, tình trạng lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn trúng thưởng tới các số điện thoại; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam; giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản để kiểm tra, sau đó chiếm đoạt…

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập để hoàn thiện cơ sở pháp lý; chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để những hoạt động lừa đảo nêu trên. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.

Theo Thượng tá Vũ Bình Long, Phó Phòng PC02-Công an tỉnh, công tác điều tra các vụ án trên rất khó khăn do nhiều yếu tố, như: Tội phạm sử dụng mạng xã hội, các tài khoản ngân hàng thường lập bằng CMND giả, giao dịch chỉ một lần, bản thân nạn nhân che giấu sự việc, có sự liên kết của đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài. Mặc dù thủ đoạn lừa đảo cũ, các phương tiện truyền thông đã thường xuyên thông tin về phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo qua điện thoại, qua mạng xã hội, nhưng do người bị hại nhẹ dạ, lo sợ nên vẫn tiếp tục xuất hiện những nạn nhân mới với số tiền thiệt hại rất lớn. Thời gian tới, bên cạnh công tác nghiệp vụ, lực lượng Công an cũng sẽ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của người dân về các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này để chủ động phòng tránh”, Thượng tá Vũ Bình Long nhấn mạnh.

Thượng tá Vũ Bình Long khuyến cáo thêm: Cơ quan Nhà nước khi cần làm việc với công dân sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập. Tuyệt đối không làm việc qua điện thoại, nên người dân không được chuyển tiền theo yêu cầu của người gọi. Khi phát hiện bị lừa đảo, nạn nhân cần nhanh chóng đến cơ quan Công an trình báo để phối hợp với các ngân hàng kịp thời ngăn chặn hành vi rút tiền của các đối tượng tội phạm. Bị hại cần tích cực hợp tác với cơ quan công an trong quá trình điều tra phá án, xử lý vụ việc.

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201910/nhieu-nguoi-sap-bay-lua-dao-mat-hang-ty-dong-879485/