Nhiều người 'nhận bừa', 3 cây vàng trong bao lúa chưa có chủ

Sau khi gia đình ông Lê Quang Thắng (ngụ thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đăng thông tin tìm người mất vàng, nhiều người đã gọi điện và đến trực tiếp nhận mình là chủ số vàng đã bỏ quên trong bao lúa…

Ông Thắng đang tìm chủ nhân thật sự của số vàng để trả lại

Tuy nhiên, ông Thắng không trả lại vì đó không phải là chủ nhân thật sự. Một năm nữa, nếu không tìm được chủ nhân số vàng, gia đình ông sẽ gửi cho hội chữ thập đỏ để chia cho người nghèo.

Phát hiện gần 3 lượng vàng trong bao lúa

Theo ông Thắng, gia đình ông có nhà máy xay xát lúa gạo và thường xuyên thu mua lúa của người dân ở xã Phước Hưng. Vào ngày 2/1, trong lúc xay gạo, ba công nhân xay xát gạo phát hiện một hộp bằng gỗ khá cũ nằm trong bao lúa. Sau khi kiểm tra, một nam công nhân thấy trong hộp đựng nhiều vàng nên lấy bỏ túi.

Phát hiện ra vụ việc trên, ông Thắng nói với nhóm công nhân rằng đó là số vàng của người em họ của ông bỏ quên trong bao lúa. Người em này ở cùng địa phương vừa đem lúa tới xay xát ngày hôm trước nên yêu cầu nhóm công nhân bàn giao lại số vàng để trả cho người bị mất.

“Số vàng mà nhóm công nhân giao cho tôi là gần 3 lượng. Tuy nhiên, trước khi bàn giao số vàng, một công nhân cũng đã lấy đi vài chỉ trong hộp. Tôi đoán số vàng nguyên ban đầu là đúng 3 lượng”, ông Thắng cho biết.

Sau khi phát hiện số vàng trên, gia đình ông Thắng cất giữ cẩn thận, đồng thời thông báo rộng rãi trên đài truyền thanh xã cho người dân địa phương rằng ai bỏ quên vàng trong bao lúa thì đến liên hệ để nhận lại. Ngoài ra, gia đình ông cũng hỏi thăm các đầu nậu hay bán lúa cho gia đình nhưng không có ai nhận là chủ nhân số vàng trên.

“Số lượng vàng lớn như vậy thì người dân ở quê phải tích góp rất lâu mới có được. Vì vậy, người đánh mất chắc phải đang trong tình trạng mất ăn, mất ngủ lo tìm kiếm. Trước Tết, vợ tôi có nghe phong phanh ngoài chợ rằng có cụ bà mất vàng trong bao lúa, nhưng mãi vẫn không thấy liên hệ để nhận”, ông Thắng cho biết.

Trong khoảng thời gian 2 tuần sau khi phát hiện vàng và thông báo lên đài truyền thanh xã mà không ai đến nhận, nam công nhân phát hiện ra số vàng và đã bỏ túi mấy chỉ liên tục chửi bới, gây áp lực, yêu cầu gia đình ông Thắng giao vàng cho anh ta. Anh ta cho rằng mình phát hiện ra vàng, nhưng không có người nhận thì sẽ được hưởng. Dù vậy, ông Thắng vẫn cương quyết không giao vì tài sản đó không phải của anh ta.

Nhiều người tự nhận mình là chủ số vàng

Im ắng một thời gian, đến cách đây hơn 1 tuần, gia đình ông Thắng tiếp tục nhờ báo chí địa phương đưa tin tìm người mất vàng. Lúc này, có nhiều người trực tiếp đến nhận số vàng đó là của mình; cũng có người gọi điện cho ông Thắng bảo rằng vàng của mình bỏ quên trong bao lúa nhưng chủ nhân thì ở tận… Hà Nội.

“Sau khi đăng thông tin trên báo, nhiều người đã liên hệ với tôi và tự nhân là chủ nhân của số vàng trên. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu nêu đặc điểm số vàng để nhận dạng thì họ trả lời không đúng, rồi họ lại vòng vo nói này nói nọ. Mà đâu chỉ người ở địa phương, có người từ tận Hà Nội gọi điện vào bảo đó là vàng của họ.

Họ nói có người bà con ở đây, lúc vào chơi nên họ bỏ quên, lâu nay tìm nhưng không thấy, đến nay mới biết là bỏ quên trong bao lúa và nhờ tôi gửi vàng ra cho họ. Tôi bảo nếu đúng vậy thì vào đây xác nhận rõ ràng, có công an, chính quyền địa phương rồi mới nhận thì họ cúp máy”, ông Thắng cho biết.

Cũng theo ông Thắng, cách đây khoảng 1 tuần có người phụ nữ tên H. (ngụ xã Phước Hưng) đã đến nhận vàng. Ban đầu bà H. nói khớp số vàng bị mất làm ông cũng tưởng thật. Nhưng về sau xác minh lại, ông cho rằng số vàng trên không phải của bà H.

“Lúc đầu, bà H. nói đúng số vàng nên tôi định nhờ chính quyền địa phương và công an xã làm các thủ tục cần thiết rồi trao trả lại vàng cho bà H. Tuy nhiên, khi hỏi chi tiết, bà H. lại ú ớ, không trả lời đúng. Chứng minh nhân dân bà mang đến cũng không hợp lệ nên tôi không trả lại vàng”, ông Thắng nói.

Gia đình ông Thắng làm nghề xay xát lúa gạo

Đến ngày 6/3, một người đàn ông tên T. (ngụ xã Phước Hưng) đến nhà ông Thắng liên hệ để nhận lại số vàng được cho là của người chị dâu ông vừa qua đời. Ông Thắng cũng đề nghị ông T. mô tả lại đặc điểm số vàng. Tuy nhiên, sau khi nghe ông T. mô tả lại số vàng trên được mua tại 2 tiệm vàng ở địa phương trong thời gian gần đây, ông Thắng khẳng định số vàng ông đang giữ không phải của chị dâu ông T.

“Tôi khẳng định như vậy vì vàng tôi đang giữ rất cũ, có nguồn gốc từ trước năm 1975. Trong khi đó, vàng của chị dâu ông T. mới mua đây thì không thể cũ như thế được. Tôi hy vọng ai thật sự là chủ nhân thì hãy đến nhận, chứ đừng nhận ẩu như vậy”, ông Thắng cho biết.

Chia cho người nghèo nếu không tìm chủ nhân đích thực

Ông Thắng cũng cho biết, công an địa phương có đến nhà đề nghị giao lại số vàng cho công an hoặc UBND xã để niêm phong và thông báo rộng rãi tìm người mất, tuy nhiên ông chưa giao.

“Từ từ đã, tôi giữ lại để tìm người mất chứ lúc này chưa cần thiết bàn giao. Một năm nữa, nếu không tìm được chủ nhân đích thực số vàng trên, tôi sẽ mang đi giao cho hội chữ thập đỏ để chia cho người nghèo chứ không giữ nữa”, ông Thắng quả quyết.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân - Trưởng Công an xã Phước Hưng, sau khi gia đình ông Thắng nhặt được vàng và thông tin tìm người đánh mất trên các phương tiện thông tin đại chúng, công an xã đã đến làm việc và vận động gia đình ông Thắng giao số tài sản này cho công an xã hoặc UBND xã để niêm phong, thông báo rộng rãi tìm người mất. Trong trường hợp sau 1 năm thông báo mà vẫn không có người nhận thì lúc đó sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

“Tuy nhiên, gia đình ông Thắng chưa đồng ý. Thời gian tới, công an xã sẽ tiếp tục vận động, phối hợp tìm đúng người đã làm mất số vàng trong bao lúa để trả lại”, ông Nhân cho biết.

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, ông Dương Minh Tân - Chủ tịch UBND xã Phước Hưng cho biết, đến thời điểm hiện tại, gia đình ông Thắng vẫn chưa có báo cáo cụ thể gì với chính quyền về vụ việc nhặt được vàng trong bao lúa.

“Bản thân tôi vẫn chưa thấy số vàng đó, do ông Thắng không muốn tiết lộ ra bên ngoài. Sắp đến, UBND xã sẽ đề nghị các hội, đoàn thể vận động gia đình ông Thắng giao số vàng trên để xử lý đúng theo quy định pháp luật”, ông Tân nói.

Tuy nhiên, ông Tân cũng cho rằng hành động nhặt được vàng và trả lại người mất của gia đình ông Thắng là rất ý nghĩa, đáng để biểu dương. Khi nào số vàng trên được trao lại cho người bị mất, UBND xã sẽ tổ chức khen thưởng, biểu dương gia đình ông Thắng để nhân rộng điển hình này trong toàn xã.

Phạm tội nếu nhặt được của rơi mà không trả

Pháp luật hiện hành quy định rõ trình tự, thủ tục cần phải thực hiện và căn cứ xác lập quyền sở hữu khi phát hiện tài sản do người khác đánh rơi. Cụ thể, Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên như sau:

- Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

- Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

+ Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

+ Trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.

+ Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 176 Bộ luật hình sự 2015, tội chiếm giữ trái phép tài sản được hiểu như sau:

“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”

Thắng Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/nhieu-nguoi-nhan-bua-3-cay-vang-trong-bao-lua-chua-co-chu-383262.html