Nhiều người làng chết, dân vây trại hòm: Luật sư nói gì?

Trong trường hợp này thì ngành nghề kinh doanh trại hòm lại liên quan mật thiết đến đời sống tâm linh của người dân nên có rất nhiều vấn đề tế nhị, đòi hỏi xử sự có tình, có lý, có văn hóa.

Trại hòm Trung Nguyên buộc di dời sau khi người dân trong làng phản đối đặt ở ngã ba vào làng - Ảnh: Nhật Lam

Trại hòm Trung Nguyên buộc di dời sau khi người dân trong làng phản đối đặt ở ngã ba vào làng - Ảnh: Nhật Lam

Luật sư Võ Công Hạnh, Giám đốc Công ty luật Công Khánh (TP.Huế) đã trả lời Một Thế Giới liên quan đến góc độ pháp luật về nội dung bài viết "".

Luật sư Hạnh nói rằng, ông chưa rõ chủ cơ sở trại hòm kinh doanh có giấy phép, thủ tục đầy đủ không, tuy nhiên “quyền kinh doanh hợp pháp luôn được pháp luật bảo vệ”. Thế nhưng trong trường hợp này thì ngành nghề kinh doanh trại hòm lại liên quan mật thiết đến đời sống tâm linh của người dân nên có rất nhiều vấn đề tế nhị, đòi hỏi xử sự có tình, có lý, có văn hóa.

Chất bẩn được ném vào bên trong trại hòm - Ảnh: Nhật Lam

- Phóng viên: Trong trường hợp này chính quyền bảo vệ người kinh doanh như thế nào, nếu xảy ra sự "tấn công" như vậy, thưa luật sư?

Luật sư Võ Công Hạnh: Dĩ nhiên rằng, cơ quan chức năng có nghĩa vụ bảo đảm công việc kinh doanh của người dân. Với những gi đang diễn ra tại đây, chủ trại hòm nên cân nhắc việc thay đổi địa điểm kinh doanh thì tốt hơn. Có một số vấn đề xã hội được pháp luật bảo vệ nhưng lại chưa phù hợp với phong tục tập tục, đời sống tâm linh, văn hóa vùng miền của một số địa phương cụ thể, thì những người liên quan nên mềm dẻo, xử lý tình huống linh hoạt sao cho có lợi nhất, có lợi trên bình diện cá nhân lẫn xã hội.

Trong trường hợp ở làng Phước Hưng, thiết nghĩ người làm kinh doanh nên cân nhắc lựa chọn theo hướng này. Vì suy cho cùng, việc kinh doanh là phục vụ khách hàng, trong trường hợp khách hàng hiện hữu hoặc khách hàng tiềm năng đã phản đối về dịch vụ (ở đây là địa điểm kinh doanh) thì nên có giải pháp phù hợp, địa điểm phù hợp. Tôi nhấn mạnh lần nữa, rằng quyền kinh doanh hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Mọi sự tấn công, gây rối, phá hoại đều có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Võ Công Hạnh

- Cụ thể, khi xảy ra việc như ném chất bẩn, đập phá biển biệu, miếu thờ, chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật nên hành xử như thế nào?

Việc bảo vệ sự an toàn của người dân là trách nhiệm của chính quyền; cụ thể là việc giữ trật tự trị an của cộng đồng. Việc ném chất bẩn.... có thể bị xử lý hành chính về việc hủy hoại tại sản người khác và cũng có thể khởi tố vụ án hủy hoại tài sản nếu thiệt hại lớn.

Trường hợp này, cơ quan chức năng nên giải thích cho cả hai phía. Về phía người dân, đưa ra các cảnh báo về trách nhiệm pháp lý; về phía chủ trại hòm nên thuyết phục về tính cộng đồng, tâm linh và văn hóa. Đồng thời cũng có thể cảnh báo những hậu quả xấu với sự quá khích của người dân để họ có sự đề phòng. Và tốt hơn hết, nên góp ý để họ thay đổi địa điểm kinh doanh.

Ngày 31.10, làng Phước Hưng cùng tiễn biệt 2 người về an nghỉ trên đất mẹ, trong đó có một người mất do tai nạn giao thông ở tuổi 32, có vợ và con thơ dại - Ảnh: Nhật Lam

- Nghĩa là trường hợp này, giải quyết vấn đề theo nghĩa "tình" là chính, "tình" nặng hơn "lý"?

Chúng ta cũng biết rằng cuộc sống có nhiều thứ khá mong manh, lằn ranh giữa hai mặt khó phân định rạch ròi cho được. Lúc nào tình, lúc nào lý? nhất là lại liên quan văn hóa tâm linh, liên quan sự sống, cái chết, thì đôi lúc cái “lý” chưa hẳn là cái hay.

- Ví dụ, nếu chủ trại hòm cương quyết cho rằng họ kinh doanh hợp pháp, đầy đủ thủ tục theo luật định; cho rằng cơ sở của họ gây ra nhiều cái chết cho người dân là không có cơ sở, chẳng nhẽ vì lý do này mà họ phái đóng cửa?

Tôi cho đó là sự cương quyết thiếu khôn khéo!

- Cảm ơn luật sư!

Nhật Lamthực hiện

Thông tin từ UBND xã Lộc Thủy cho hay, sau khi có ý kiến người dân phản đối vị trí đặt trại hòm Trung Nguyên, UBND xã đã làm việc với chủ trại hòm, giải thích, vận động di dời. Chiều 31.10, với sự hỗ trợ của thanh niên trong thôn, chủ cơ sở trại hòm Trung Nguyên đã tiến hành di dời toàn bộ số tài sản đến một cơ sở khác trên địa bàn huyện Phú Lộc. Đến ngày 1.11, việc di dời tài sản, phương tiện, máy móc làm việc đã cơ bản hoàn tất. Hiện tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn cũng đã trở lại bình thường.

Trước đó, như Báo Một Thế Giới đã thông tin, trong vài tháng trở lại đây do nhiều người ở làng Phước Hưng (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) mất liên tiếp một cách bất thường đã khiến hàng trăm người dân nghi ngờ trại hòm Trung Nguyên có liên quan đến tình trạng này. Đặc biệt, những ngày cuối tháng 10, hàng trăm người dân tụ tập nhiều giờ trước trại hòm này trong làng phản đối, yêu cầu chính quyền can thiệp để trại hòm di dời địa điểm khác, không được đặt cơ sở kinh doanh và sản xuất hòm ở khu vực ngã ba vào làng.

Theo tìm hiểu của PV, trại hòm Trung Nguyên đặt tại thôn Phước Hưng đã 1 năm và chưa từng vấp sự phản ứng từ người dân.Trại hòm này đóng trên khu đất của người thân cho mượn, có giấy phép xây dựng tạm nhưng chưa hoàn tất thủ tục đăng ký thuế và đóng thuế theo luật định.

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/phap-luat-c-70/nhieu-nguoi-lang-chet-dan-vay-trai-hom-luat-su-noi-gi-100069.html