Nhiều người hành nghề mại dâm bức xúc vì chưa được xã hội quan tâm

Chiều 5.4, tại tọa đàm trực tuyến 'Có nên công nhận mại dâm là một nghề' do báo Tiền Phong tổ chức, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết nhiều người hành nghề mại dâm rất bức xúc vì tại sao đặt họ ngoài lề xã hội, không quan tâm quyền lợi của họ?

Mặc dù mại dâm là bất hợp pháp song vẫn có nhiều chị em tham gia. Ảnh: Công an cung cấp.

Mặc dù mại dâm là bất hợp pháp song vẫn có nhiều chị em tham gia. Ảnh: Công an cung cấp.

Xem mại dâm là nghề đặc biệt?

Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách, phòng chống mại dâm - Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB-XH) cho rằng, hiện tại mại dâm là hoạt động bất hợp pháp, song vẫn phải bảo vệ quyền con người.

“Việc xây dựng chính sách về mại dâm sẽ dựa trên hai tiêu chí: tôn trọng hiến pháp của Việt Nam và làm sao cho phù hợp với các điều lệ, công ước quốc tế mà Việt Nam đang tham gia”, ông Dũng cho hay.

Theo quan điểm của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, cần phải có cách nhìn khách quan về việc công nhận mại dâm. Khi xem mại dâm là một nghề thì đồng nghĩa với việc đồng ý hợp pháp hóa. Cần có cách nhìn khách quan, toàn diện, đừng định kiến về vấn đề này.

“Tôi mong các chuyên gia tập trung nghiên cứu từ trong nước, ngoài nước, thậm chí là cả Đông Tây kim cổ. Riêng đối với tôi, nên coi mại dâm là một nghề đặc biệt, có một quy chế quản lý đặc biệt, như thế sẽ tốt hơn để hoạt động trôi nổi”, ông Nhưỡng nói.

Đồng thời, ông Nhưỡng cũng lưu ý, những người hành nghề mại dâm rất bức xúc vì tại sao đặt họ ngoài lề xã hội, tại sao không quan tâm đến quyền lợi của họ?

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Đoàn chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu quan điểm, muốn công nhận hay không mại dâm là một nghề, đòi hỏi một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng.

“Riêng Hội phụ nữ, dù công nhận hay không, chúng tôi chỉ tập trung vào quyền con người. Theo đó cần có chế tài, quy định để bảo vệ phụ nữ, và cả đàn ông hành nghề mại dâm. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận các hành vi xâm phạm đến quyền lợi, danh dự và nhân phẩm của các chị em phụ nữ”, bà Cầm nêu.

Ông Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học) lại cho rằng, khi chúng ta chưa gọi mại dâm là nghề thì mại dâm đã được coi là nghề dù số đông không công nhận. “Ở Thái Lan có cả truyền nghề, mẹ truyền cho con”.

Ông Bình cho rằng, nếu quản lý tốt, định hướng, kiểm soát tốt thì chắc chắn giảm tải tác hại. “Thậm chí nói ‘đãi bôi’ hơn thì là thu lợi từ nó. Có thể coi đó là nghề, nhưng là nghề đặc biệt, nghề nhạy cảm”, ông Bình nói và cho rằng, không gì tốt hơn là nhìn nhận nó như thực thể xã hội”.

Hay ngành kinh doanh có điều kiện?

Về việc xây dựng chính sách về mại dâm, ông Phạm Ngọc Dũng cho biết đang nghiên cứu, lắng nghe dư luận xã hội để có chính sách phù hợp. Đồng thời phải tăng cường ngăn chặn hành vi phạm pháp liên quan đến vấn đề này như đường dây mua bán người, hay hành vi đánh đập người hành nghề mại dâm...

“Bộ có trưng cầu ý kiến người hoạt động mại dâm. Chúng tôi từng làm việc với những người đã, đang hoặc sắp hoạt động mại dâm. Chúng tôi cũng nhiều lần tiếp xúc chị em, anh em, người chuyển giới để lắng nghe nhu cầu ý kiến của họ”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng nhấn mạnh: “Họ mong muốn được bảo vệ, tránh sự đánh đập, bóc lột. Họ cũng quan tâm đến vấn đề nhân thân, rồi liệu con cái họ có được bảo vệ, được đối xử bình đẳng hay không. Nhiều người mong muốn được tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội, để học nghề khác, thay đổi công việc đang làm...”.

Ở góc độ pháp lý, Luật sư Trần Tuấn Anh, Văn phòng Luật sư Minh Bạch cho rằng vấn đề là tìm ra cách quản lý tốt nhất. “Chúng ta từng áp dụng nhiều biện pháp như đưa mại dâm vào cải tạo, nhưng chúng ta lại loay hoay: phạt, cải tạo nhưng mại dâm vẫn tồn tại”.

Theo đó, giải pháp là có thể thành lập một khu vực riêng, nếu hoạt động trong khu vực đó thì hợp pháp, nhưng ngoài thì bất hợp pháp. Ví dụ như casino, ví dụ như xổ số là hợp pháp, nhưng lô đề lại bất hợp pháp.

“Nếu đưa mại dâm vào quản lý thì các cán bộ sẽ có thể báo cáo minh bạch. Khi ấy, chúng ta có được danh sách, có thể quản lý về vệ sinh, sức khỏe, thậm chí đóng bảo hiểm cho những người hành nghề.”, ông Trần Tuấn Anh phân tích.

Theo luật sư này, có thể coi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Người được cấp chứng chỉ hành nghề cần có đủ điều kiện sức khỏe, lý lịch... Thậm chí có thể quản lý các cơ sở mại dâm như mỗi phòng bao nhiêu mét vuông, có gì trong đó, sử dụng biện pháp an toàn ra sao...

Theo ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, nghề “đặc biệt” là phải có đăng ký, phải được cấp giấy phép hành nghề theo dạng đặc biệt, phải có mô tả nghề nghiêp xét trên phương diện công việc, đối tượng hành nghề, cũng như phải khoanh vùng quản lý.

“Nếu công nhận, chúng ta sẽ giải thoát những người có nhu cầu hành nghề khỏi tình trạng chui lủi. Điều đó đồng nghĩa, chúng ta đang bảo vệ thuần phong mỹ tục, bảo vệ gia đình, bảo vệ những người muốn trong sạch hóa”, vị ĐBQH cho biết.

Ông Phạm Ngọc Dũng cho rằng vấn đề quan tâm nhất của các phụ nữ làm nghề mại dâm là làm sao có thể bảo vệ quyền công dân của họ, để họ cảm thấy là dù họ làm gì thì vẫn được pháp luật bảo vệ.

Theo vị này, chỉ ra trong số các nước cho phép tồn tại mại dâm, mỗi mô hình quản lý đều có mặt tích cực và tiêu cực. Mô hình ấy có phù hợp với chúng ta không thì còn phải nghiên cứu rất sâu.

“Giải pháp hiện thời là giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm và giảm thiểu tác hại của nghề đối với phụ nữ. Chúng ta phải cố gắng có được góc nhìn phù hợp, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp”, ông Dũng phân tích.

Trịnh Giang

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/nhieu-nguoi-hanh-nghe-mai-dam-buc-xuc-vi-chua-duoc-xa-hoi-quan-tam-85449.html