Nhiều người 'điếc không sợ súng' kéo nhau xem kẻ ôm lựu đạn cố thủ

Dù nghi phạm cầm súng, ôm lựu đạn cố thủ trước lực lượng cảnh sát nhưng nhiều người dân ở Hà Tĩnh vẫn kéo nhau đi xem bất chấp nguy hiểm tính mạng.

Tối 15/2, Cục C04 Bộ Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Hà Tĩnh truy bắt nhóm nghi phạm vận chuyển ma túy bằng ôtô. Cuộc vây bắt kéo dài từ chiều đến tối, các nghi phạm lao xe xuống ruộng ở đến đường liên xã Lâm Giang và Sơn Giang (huyện Hương Sơn) nhưng vẫn ngoan cố dùng súng, lựu đạn cố thủ.

Biết được thông tin cảnh sát vây bắt nhóm nghi phạm nguy hiểm, hàng trăm người dân địa phương kéo nhau đi xem. Họ tập trung gần khu vực nghi phạm lẩn trốn khiến cảnh sát phải phát loa thông báo, di tản đến nơi an toàn.

Lựu đạn không phát nổ, các nghi phạm bị cảnh sát khống chế thành công, nhiều người thở phào nhẹ nhõm ra về.

"Điếc không sợ súng"

Trước sự việc người dân kéo nhau đi xem bắt nghi phạm, nhiều bạn đọc tỏ ra ngán ngẩm. Họ cho rằng người dân nơi đây quá liều lĩnh, bởi việc này không những nguy hiểm cho bản thân người xem mà còn gây cản trở lực lượng thực thi công vụ.

Hàng trăm người dân tập trung theo dõi vụ việc. Ảnh: P. L.

Hàng trăm người dân tập trung theo dõi vụ việc. Ảnh: P. L.

Bạn đọc Ole bình luận người dân mình đúng là hiếu kỳ. Họ không ý thức được những nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào khi các đối tượng nổ súng hoặc xảy ra màn đấu súng. “Phải chăng là điếc không sợ súng nhỉ?”, người này đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm, bạn Đỗ Công Quang cũng tỏ ra e ngại: “Dân mình hiếu kỳ thật. Nó có súng, lựu đạn mà cứ lao ra xem. Không may dính viên đạn lạc hay bị nó bắt làm con tin lại đổ tại công an này khác”.

Một số khác chia sẻ rằng ở nước ngoài khi thấy tội phạm có vũ khí thì dân thường bỏ chạy. Trong khi đó, dân mình lại kéo nhau đi xem như trẩy hội. “Dân mình hơn nước ngoài ở chỗ đó”, bạn V. N. mỉa mai.

Tâm lý đám đông

Trao đổi với Zing.vn, thạc sĩ Lê Minh Luân, Giảng viên khoa tâm lý học (Trường Đại học Sư phạm TP.HCM), cho biết tâm lý của người dân Việt Nam là tâm lý đám đông.

Khi người dân thấy có việc gì chú ý sẽ “hùa theo”, tập trung đến cho dù việc này tốt hay không.

“Việc người dân tập trung đến khu vực đông đúc thể hiện sự tò mò của bản thân. Khi người dân tò mò, hoặc có nhu cầu tiếp cận thông tin đang diễn ra thì họ quên mất việc phải cẩn trọng đối chính bản thân mình và người khác”, thạc sĩ Luân nói.

Nhiều ý kiến về việc người dân tập trung theo dõi vụ vây bắt. Ảnh: Chụp màn hình.

Theo thạc sĩ Luân, người dân cũng có biểu hiện lôi kéo người thân, bạn bè đến xem việc này, việc kia rất ấn tượng mặc dù không tốt đẹp.

“Khi người dân tập trung càng đông thì họ càng có lòng tin mình vào đám đông khi xảy chuyện sẽ không xảy ra với mình hoặc ít ảnh hưởng đến bản thân. Ngoài ra, việc người dân tụ tập nhằm khẳng định bản thân xuất hiện trong đám đông đó và rất hiểu biết câu chuyện”, vị chuyên gia tâm lý học nói thêm.

Mặc dù lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường, đa số người dân nghĩ họ đều có nhu cầu đảm bảo an toàn cho người khác hay tỏ ra mình là người có thể bảo vệ cho người khác nên đã tập trung đến song song với lực lượng chức năng.

Với những suy nghĩ chưa thấu đáo của người dân khiến cho lực lượng thực thi công vụ mất khả năng quản lý đám đông và thực hiện nhiệm vụ của mình.

Thái Linh - Tây Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhieu-nguoi-diec-khong-so-sung-keo-nhau-xem-ke-om-luu-dan-co-thu-post917015.html