Nhiều người dân vẫn chủ quan, lơ là

Trong khi dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có chiều hướng diễn biến bất thường, tính chất bệnh phức tạp, các biến chứng nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều thì không ít người dân vẫn hết sức lơ là trong công tác phòng, chống bệnh. Đặc biệt, do chủ quan nên nhiều ca bệnh diễn biến xấu...

Hiện dịch SXH đang rất đáng báo động ở nhiều địa phương, nhất là phía Nam. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 8-9-2019, toàn tỉnh ghi nhận 3.000 ca mắc SXH, hai trường hợp tử vong, tăng 106% so với cùng kỳ năm 2018; 3 địa phương là Hồng Ngự, Lấp Vò và TP Cao Lãnh có số ca mắc bệnh rất cao. Cuối tháng 8-2019, huyện Lấp Vò xuất hiện 142 ổ dịch, với 302 ca bệnh, trong đó 14 ca nặng (tăng 200% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 160% so với trung bình 5 năm giai đoạn 2011-2015). Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Đồng Tháp hiện là một trong 9 tỉnh, thành phố phía Nam có số ca mắc SXH cao. Diễn biến tình hình SXH trên địa bàn tỉnh đang ở ngưỡng báo động vàng. Điểm khác thường của bệnh SXH năm nay là số bệnh nhân tăng cao và tỷ lệ người lớn mắc bệnh tương đương với trẻ em dưới 15 tuổi. Kèm theo đó, các trường hợp mắc bệnh nặng và có dấu hiệu sốc ở người lớn cũng nhiều hơn. Trong 72 ca sốc nặng nhập viện ở Đồng Tháp đã có 30 ca là người lớn”.

Tình hình dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp tại tỉnh Tiền Giang. Đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện hơn 2.400 ca bệnh SXH, trong đó hai ca tử vong tại TP Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo. Điều đáng nói là ca SXH Dengue và SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo chiếm tỷ lệ hơn 90%. Tại Bến Tre, hiện 9/9 huyện, thị xã, thành phố đều xuất hiện dịch bệnh SXH, với hơn 500 ổ dịch. Tuy không có trường hợp tử vong nhưng số ca SXH có dấu hiệu tăng theo tuần, phần lớn nhập viện trong trường hợp biến chứng nặng.

 Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi để phòng ngừa sốt xuất huyết tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi để phòng ngừa sốt xuất huyết tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Mặc dù số lượng bệnh nhân SXH tăng cao, nhưng do chưa nhận thức đúng về dịch SXH, nên không ít bà con đã lơ là trong công tác phòng, chống bệnh. Theo Ban chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Đồng Tháp: Qua kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống dịch SXH trên một số địa bàn, phát hiện xung quanh nhà rải rác các vật dụng chứa lăng quăng, thậm chí có nơi ao tù, nước đọng. Đây là nơi sinh sản của muỗi vằn, vật trung gian truyền bệnh SXH. Đáng chú ý, qua kiểm tra 43 gia đình tại ấp Phú Thành, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, đoàn công tác ghi nhận 19/43 hộ có các vật dụng chứa nước có lăng quăng (chiếm 44%). Đây là chỉ số rất cao so với ngưỡng cho phép là 20 vật chứa nước có lăng quăng trên 100 nhà dân.

Đáng lo ngại hơn là nhiều người vì chủ quan và tin vào các mẹo chữa bệnh SXH nên khi nhập viện đều ở mức nguy hiểm. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Sở, ngụ phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, với suy nghĩ bệnh SXH chỉ có ở trẻ nhỏ, nên khi sốt cao, 3 ngày đầu ông tự ý mua thuốc hạ sốt về điều trị và xông hơi bằng một số loại cây cỏ. Đến khi bệnh diễn biến xấu thì người nhà mới đưa vào bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán ông bị nhiễm SXH và chuyển sang giai đoạn sốc nặng. Ông Sở bộc bạch: “Sau 3 ngày tự điều trị tại nhà không khỏi, đến ngày thứ 4 tôi mới nhờ một y sĩ gần nhà đến truyền nước. Không ngờ truyền xong thì người bị sưng phù, nôn ói liên tục. Người nhà thấy vậy mới chuyển đến bệnh viện cấp cứu, cũng may là còn kịp. Giờ thì tôi mới tin người lớn cũng bị SXH chứ không riêng trẻ nhỏ”.

Chị Nguyễn Thị Sảnh ở huyện Lấp Vò có con đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thấy con sốt liên tục trong hai ngày, tôi mua thuốc cho uống nhưng không khỏi, đưa đến bệnh viện huyện khám mới biết cháu bị SXH. Chưa tìm hiểu thông tin nên biểu hiện và mức độ nguy hiểm của bệnh SXH tôi cũng không rành. Chồng đi làm xa, tôi cũng bận nhiều việc, nghe mọi người chỉ cây nhọ nồi (cỏ mực) có tác dụng mát huyết và trị được bệnh SXH, cầm máu khi xuất huyết đường ruột, bên cạnh đó uống vitamin cũng sẽ khỏi bệnh nên tôi cho con uống. Sau đó bé mệt mỏi nhiều hơn kèm theo đau đầu dữ dội, mất tri giác… Tại bệnh viện, các bác sĩ kết luận bị xuất huyết não do SXH. May là còn cứu kịp”.

Theo khuyến cáo của các thầy thuốc, bệnh SXH xảy ra quanh năm, thường vào mùa mưa. Hiện nay, bệnh SXH ở người lớn đang tăng rất nhanh, triệu chứng bệnh của người lớn và trẻ em giống nhau. Tuy nhiên, ở người lớn thì số ngày sốt kéo dài hơn, triệu chứng nặng hơn và biến chứng cũng nhiều hơn. Đặc điểm của bệnh là sốt và xuất huyết tương, suy tạng nặng, có thể gây viêm não. Nếu không xử lý kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong. Do vậy, các địa phương cần hết sức nghiêm túc trong công tác phòng, chống dịch; đặc biệt là mỗi người dân cần chủ động phòng ngừa, ứng phó, khi có dấu hiệu bệnh cần đến ngay bệnh viện kiểm tra và điều trị đúng cách.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/nhieu-nguoi-dan-van-chu-quan-lo-la-592323