Nhiều người dân di cư tự do được nhập tịch Việt Nam

Theo Bộ Tư pháp, sau 3 năm thực hiện Thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước Việt Nam và Lào đã có 1.176 người được nhập tịch Việt Nam.

Trước đó, ngày 8/7/2013, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đã ký Thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước.

Việc ký kết Thỏa thuận giữa hai nước giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú tại các tỉnh biên giới Việt Nam và Lào đã tồn tại nhiều năm qua. Theo đó đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm theo thủ tục nhanh gọn việc cấp các giấy tờ quốc tịch và hộ tịch cho những người đáp ứng các điều kiện của Thỏa thuận.

Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trao Quyết định của Chủ tịch nước cho những người được nhập tịch. (Ảnh: BTP)

Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa trao Quyết định của Chủ tịch nước cho những người được nhập tịch. (Ảnh: BTP)

Với việc triển khai thực hiện Thỏa thuận, cơ bản đã giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào tồn đọng từ trước tới nay.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được,cũng còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Theo đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, tình trạng tái di cư, di cư tự do, kết hôn không giá thú mới sẽ vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục.

Nguyên nhân là do những khó khăn về quỹ đất sinh sống, canh tác; quan hệ huyết thống, họ hàng, thân tộc, tập quán du canh, du cư của đồng bào các dân tộc thiểu số hai bên biên giới…

Để hạn chế, tiến đến chấm dứt tình trạng tái di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào, Bộ Tư pháp kiến nghị các tỉnh khẩn trương hoàn thành việc rà soát bổ sung, lập danh sách đối với các trường hợp bỏ sót trình Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam phê duyệt trong thời gian gia hạn thực hiện Thỏa thuận.

Đồng thời, đề xuất Ban chỉ đạo thực hiện Thỏa thuận xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết phù hợp trên tinh thần Thỏa thuận đối với những người di cư tự do từ Lào sang Việt Nam sau ngày 8-7/2013 (ngày ký Thỏa thuận), nhưng họ có nhu cầu ở lại Việt Nam và có nguyện vọng nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch.

Các ý kiến cũng đề nghị hai nước cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân về các chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng, pháp luật của Nhà nước; quán triệt sâu rộng nội dung 2 văn kiện pháp lý biên giới Việt Nam - Lào, đặc biệt là các nội dung của Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào…

PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhieu-nguoi-dan-di-cu-tu-do-duoc-nhap-tich-viet-nam-98242.html