Nhiều người chỉ nghĩ quai bị có thể gây ảnh hưởng cơ quan sinh sản, nhưng vẫn còn biến chứng mà ít ai ngờ đến

Mất hoàn toàn thính giác sau khi bị biến chứng do căn bệnh quai bị là điều không phải bệnh nhân nào cũng ngờ đến.

Mất khả năng nghe trong tuần đầu tiên

Chị Hoàng Thị Phương (30 tuổi, Khoa Tai Mũi họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đang là một bác sĩ trẻ tài năng, tương lai đang rộng mở, nhưng không may gặp phải biến chứng mất đi thính giác hoàn toàn do quai bị.

Vào năm 2016, chị Phương không may mắc phải căn bệnh quai bị với các triệu chứng như: má sưng ở quai hàm, nóng và đau, sờ thấy rắn, người sốt, đau đầu, mệt mỏi…

"Trong quá trình khám bệnh cho bệnh nhân, tôi đã bị lây từ bệnh nhân. Sau khi bị bệnh 2 ngày, một tai tôi không nghe được, tới ngày thứ năm thì tôi mất cả thính giác hai tai". chị Phương cho biết.

Căn bệnh quai bị tưởng chừng điều trị rất đơn giản nhưng không may ngay trong tuần đầu bị bệnh chị Phương đã gặp biến chứng mất hoàn toàn thính giác (điếc cả hai bên tai). Biến chứng này sẽ không có khả năng hồi phục, đồng nghĩa với việc bác sĩ Phương sẽ bị điếc suốt đời.

Chị Phương chia sẻ bị biến chứng điếc tai do quai bị.

"Tôi đã sốc, cảm thấy tương lai sụp đổ hoàn toàn. Khi đó, tôi mới sinh con, con tôi mới được 8 tháng. Khi nhìn thấy con, tôi không kìm được nước mắc, tôi chưa được nghe con gọi tiếng mẹ", chị Phương nói.

Tương lai gần như đã khép lại với chị Phương vì nếu không có thính giác chị không thể tiếp tục làm được nghề gì. Không đầu hàng số phận chị Phương đã phẫu thuật cấy ghép thành công điện cực ốc tai hai bên tại Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bác sĩ Phương là trường hợp được cấp điện cực ốc tai đầu tiên tại bệnh viện 108 và đã được phẫu thuật thành công. Bác sĩ Phương đã quay trở lại làm việc với tư cách là một chuyên viên thính học.

Sau ca phẫu thuật ghép điện cực ốc tai bác sĩ Phương, bệnh viện 108 cũng đã phẫu thuật cho bệnh nhân bị điếc bẩm sinh N.B.N (20 tuổi).

Ths. BS Nguyễn Minh Ngọc, Phó chủ nhiệm khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện 108 cho hay, từ trước tới nay chúng ta nghe tới căn bệnh quai bị khá nhiều và thường chỉ nhắc tới biến chứng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của nam và nữ. Khi mắc quai bị ở nam giới có thể bị biến chứng viêm teo tinh hoàn và viêm buồng trứng (nữ giới) mất đi cơ hội làm cha làm mẹ.

Một biến chứng khác của bệnh quai bị để lại hậu quả nặng nề đó chính là gây ra điếc không phục hồi cho bệnh nhân nhưng ít người biết tới. Biến chứng tai bị điếc do quai bị là một biến chứng rất nặng nề, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống sau này của bệnh nhân.

"Điếc tai xảy ra ở giai đoạn đầu do vi rút quai bị gây tổn thương ốc tai. Theo thống kê quai bị biến chứng điếc tai cả hai tai rất hiếm gặp, với tỷ lệ gặp khoảng 1/10.000 trường hợp quai bị", bác sĩ Ngọc nói.

Tìm lại âm thanh quý giá cho bệnh nhân

Theo bác sĩ Ngọc, với bệnh nhân Phương đã có 6 tháng điều trị tất cả các phương pháp trợ thính nhưng không có đáp ứng. Cấy ốc tai điện tử Phương là cách duy nhất để chị có thể nghe rõ, nghe trọn vẹn. Để hỗ trợ khả năng nghe cho bệnh nhân, hệ thống ốc tai điện tử là thiết bị điện cực được đưa vào bên trong ốc tai giúp đưa các tín hiệu âm thanh vượt qua các phần bị tổn thương của tai trong và truyền thẳng tới dây thần kinh thính giác.

Với công nghệ ốc tai điện tử những trường hợp bệnh nhân bị mất thính giác đột ngột, mất thính giác bẩm sinh sẽ có cơ hội tìm lại âm thanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Công nghệ ốc tai điện tử đã được nghiên cứu rất an toàn cho người cấy ghép, hạn chế tổn thương phần ốc tai, bảo tồn lông thần kinh thính giác còn lại để giữ mức thính lực tốt nhất có thể của mỗi bệnh nhân sau khi bật máy. Hiện nay, công nghệ cấy ốc tai điện tử cho phép bác sĩ có thể thực hiện cấy đồng thời 02 tai cùng một lúc.

Ngọc Minh

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/song-khoe/nhieu-nguoi-chi-nghi-quai-bi-co-the-gay-anh-huong-co-quan-sinh-san-nhung-van-con-bien-chung-ma-it-ai-ngo-den-20180914092806631.htm